Hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện

Cập nhật lúc: 10:17 08/03/2021

 

Xác định "xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc" là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, những năm qua, các cấp Hội LHPN tỉnh đã triển khai các hoạt động thiết thực để nâng cao chất lượng cuộc sống cho hội viên, góp phần khẳng định vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội.

Đồng hành với hội viên

Tham gia sinh hoạt trong tổ chức hội, năm 2015 chị H’Ưk Êban (buôn Sút Mđưng, xã Cư Suê, huyện Cư M’gar) được Hội LHPN xã tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội vay 15 triệu đồng để đầu tư sản xuất. Có vốn, lại được hội tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn khoa học kỹ thuật, chị đã mạnh dạn cải tạo lại 3,5 sào cà phê đã già cỗi. Đến năm 2018, Hội LHPN huyện tiếp tục giới thiệu chị tham gia lớp học nghề ngắn hạn về kỹ thuật chăn nuôi, thú y và hỗ trợ chị 5 triệu đồng để mua heo giống. Từ 2 con heo ban đầu, đến cuối năm 2018, chị đã nhân lên được đàn heo 9 con. Trung bình mỗi năm chị xuất bán 3 lứa heo con, cho gia đình thu nhập thêm hơn 50 triệu đồng. Đến nay, gia đình chị H’Ứk Êban không chỉ trả hết vốn vay khởi nghiệp, mua được thêm 3 sào đất canh tác các loại cây trồng ngắn ngày mà còn thoát khỏi diện hộ nghèo của địa phương.

Hội viên phụ nữ xã Dray Sáp (huyện Krông Ana) tham gia học may dân dụng.
Hội viên phụ nữ xã Dray Sáp (huyện Krông Ana) tham gia học may dân dụng.
 
Từ nhiều chương trình, hoạt động do các cấp hội tổ chức đã thu hút thêm nhiều chị em tham gia vào tổ chức; đồng thời tác động đến giáo dục đạo đức lối sống cho con em trong gia đình, giữ gìn gia đình hạnh phúc, nâng cao vai trò vị thế của người phụ nữ hiện đại, thực hiện bình đẳng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội".
 
Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Thanh Hường

Thực hiện Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”, ngoài việc tín chấp giúp hội viên vay vốn, Hội LHPN TP. Buôn Ma Thuột phối hợp với Trung tâm Giới thiệu việc làm thường xuyên tổ chức cho cán bộ, hội viên phụ nữ tham quan, học tập tại các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Qua đó, chị em vừa có cơ hội tích lũy kinh nghiệm hữu ích, vừa mở rộng thêm tầm nhìn và cách suy nghĩ trong việc triển khai các mô hình nông nghiệp để tự tin, mạnh dạn hơn trong khởi nghiệp. Chị Nguyễn Thị Vân Anh, Chủ tịch Hội LHPN phường Thắng Lợi chia sẻ: “Đến tham quan học tập kinh nghiệm, chúng tôi được giới thiệu về ý tưởng và quá trình xây dựng, phát triển mô hình; được chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây trồng công nghệ cao; cách thức bảo quản, vận chuyển cũng như triển khai, quản lý và tiếp cận thị trường để đưa sản phẩm ra thị trường. Đây thực sự là kiến thức rất bổ ích và là cơ hội tiếp cận tốt đối với các chị em đang có nhu cầu khởi nghiệp”.

Để hỗ trợ cha mẹ trong chăm sóc, nuôi dạy và bảo vệ con cái, xây dựng gia đình hạnh phúc, tháng 9-2020, Hội LHPN xã Ea Uy (huyện Krông Pắk) đã ra mắt mô hình “Nhóm cha mẹ có con từ 0 đến 8 tuổi” tại buôn Đắk Rơ Leang với 35 thành viên. Mô hình thường xuyên tổ chức sinh hoạt, tọa đàm chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm về chăm sóc sức khỏe, chế biến dinh dưỡng cho con, tiêm phòng cho trẻ, kiến thức, kỹ năng ngăn ngừa nguy cơ tai nạn thương tích, xâm hại trẻ em gái, chăm sóc phát triển cho trẻ tự kỷ...

Nâng cao nhận thức, kiến thức cho hội viên phụ nữ

Nhằm hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, nâng cao vị thế trong gia đình, các cấp hội tích cực vận động, khai thác nguồn lực, triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án về phát triển kinh tế hộ gia đình, giảm nghèo, dạy nghề, tạo việc làm. Điểm mới là trong những năm gần đây căn cứ vào tình hình thực tiễn ở mỗi địa phương, các cấp hội hỗ trợ phụ nữ phát triển trang trại, gia trại, liên kết sản xuất, tổ hợp tác... theo mô hình phù hợp với nhu cầu của phụ nữ và yêu cầu của thị trường.

Hội viên  phụ nữ  TP. Buôn  Ma Thuột giới thiệu  sản phẩm  khởi nghiệp.
Hội viên phụ nữ TP. Buôn Ma Thuột giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp.

Bên cạnh đó, các cấp hội còn tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức về mọi mặt, phát huy vai trò phụ nữ trong xây dựng gia đình, thành lập và phát triển nhiều mô hình, câu lạc bộ nhằm giúp hội viên trang bị thêm kỹ năng, kiến thức vun đắp hạnh phúc gia đình. Đồng thời chủ động phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh và phòng tư pháp các địa phương thực hiện tuyên truyền pháp luật, trợ giúp pháp lý tại nhiều xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vận động cán bộ hội tích cực tham gia nghiên cứu, tìm hiểu, nâng cao kiến thức pháp luật, thực hiện tốt công tác tuyên truyền pháp luật tới hội viên, phụ nữ, nâng cao kỹ năng, chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ các chi hội, tổ phụ nữ ở địa bàn khó khăn. Tính đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có gần 229.000 gia đình hội viên phụ nữ đạt tiêu chí “5 không, 3 sạch”.

Anh Phương