Quá trình hình thành và phát triển Hội Chữ thập đỏ tỉnh Đắk Lắk
Cập nhật lúc: 08:56 17/04/2019
Buôn Ma Thuột là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Đắk Lắk, nơi mở màn Chiến dịch Tây Nguyên, mở đầu Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn Miền Nam thống nhất đất nước, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đưa cả nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Công tác nhân đạo là bộ phận quan trọng trong công tác dân vận của Đảng, là nhiệm vụ của các cấp uỷ Đảng, của cán bộ, đảng viên và các tổ chức trong hệ thống chính trị, góp phần giáo dục, đoàn kết các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội của Đảng, nâng cao nhận thức trách nhiệm của cán bộ đảng viên và các tầng lớp nhân dân đối với hoạt động nhân đạo. Xác định tầm quan trọng của công tác nhân đạo, ngày 18 tháng 07 năm 1979 Uỷ ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Quyết định số 371/QĐ – UBND, về việc thành lập Hội Chữ thập đỏ tỉnh Đắk Lắk.
Từ ngày thành lập đến nay, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Đắk Lắk đã trải qua 7 kỳ đại Hội.
- Đại Hội lần thứ I năm 1982 (nhiệm kỳ 1982-1986). Đại hội đã bầu 12 vị vào Ủy viên Ban Chấp hành tỉnh Hội, Bác sĩ Nay Điah được bầu làm Chủ tịch.
- Đại Hội lần thứ II năm 1986 (nhiệm kỳ 1982-1991). Đại hội đã bầu 15 vị vào Ủy viên Ban Chấp hành tỉnh Hội, Bác sĩ Nay Điah tiếp tục được bầu làm Chủ tịch.
- Đại hội lần thứ III năm 1992 (nhiệm kỳ 1992-2000). Đại hội đã bầu 28 vị vào Ủy viên Ban Chấp hành tỉnh Hội, Ông Nguyễn Đức Phồi được bầu làm Chủ tịch.
- Đại Hội lần thứ IV năm 2000 (nhiệm kỳ 2000-2005). Đại hội đã bầu 27 vị vào Ủy viên Ban Chấp hành tỉnh Hội, Bác sĩ Đoàn Anh Tài được bầu làm Chủ tịch.
- Đại Hội lần thứ V năm 2006 (nhiệm kỳ 2006-2011). Đại hội đã bầu 28 vị vào Ủy viên Ban Chấp hành tỉnh Hội, Bác sĩ Đoàn Anh Tài tiếp tục được bầu làm chủ tịch; đến giữa nhiệm kỳ Ông Lê Xuân Hồng được bầu làm Chủ tịch hội, thay cho Bác sĩ Đoàn Anh Tài nghỉ hưu theo chế độ.
- Đại Hội lần thứ VI năm 2011 (nhiệm kỳ 2011-2016). Đại hội đã bầu 35 vị vào Ủy viên Ban Chấp hành tỉnh Hội, Ông Lê Xuân Hồng tiếp tục được bầu làm Chủ tịch hội; đến cuối nhiệm kỳ bà Nguyễn Thị Phi Thảo được bầu làm chủ tịch, thay cho Ông Lê Xuân Hồng nghỉ hưu theo chế độ.
- Đại Hội lần thứ VII năm 2016 (nhiệm kỳ 2016-2021) Đại hội đã bầu 35 vị vào Ủy viên Ban Chấp hành tỉnh Hội, Bà Nguyễn Thị Phi Thảo tiếp tục được bầu làm Chủ tịch.
Trải qua gần 40 năm xây dựng và trưởng thành, hệ thống tổ chức Hội không ngừng phát triển, đến nay có 15 huyện, thị, thành Hội và Đại học Tây Nguyên với hơn 91.040 hội viên, 15.082 tình nguyện viên đang tham gia sinh hoạt tại 184 Hội Chữ thập đỏ xã, phường, thị trấn và 27 Hội tương đương. Trong suốt những năm qua, các cấp Hội luôn phát huy tinh thần đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn, thử thách, tranh thủ sự lãnh đạo của các cấp uỷ, chính quyền, sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân trong và ngoài nước với tổng trị giá hàng trăm tỷ đồng, kịp thời giúp đỡ hàng ngàn lượt người, đối tượng yếu thế dễ bị tổn thương trong xã hội. Các phong trào xã hội nhân đạo, các chương trình khám chữa bệnh, vận động hiến máu tình nguyện, xây dựng mô hình cộng đồng an toàn, tham gia xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; cứu trợ đồng bào bị thiên tai, bão lũ..là những hoạt động thiết thực, những nghĩa cử cao đẹp, có tính nhân văn sâu sắc, thấm đẫm tình người trong xã hội. Những kết quả mà Hội đạt được đã góp phần tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu giảm nghèo, chính sách an sinh xã hội của Đảng, nhà nước và chăm lo ổn định cuộc sống người dân.
- Với những thành tích và cống hiến của các thế hệ cán bộ, hội viên Chữ thập đỏ tỉnh trong 40 năm qua đã được Đảng, nhà nước ghi nhận, bằng nhiều hình thức khen thưởng: Năm 2007, được Chủ tịch nước tặng “ Huân chương lao động hạng III”; Năm 2016, được Chủ tịch nước tặng “ Huân chương lao động hạng II và nhiều cờ thi đua, Bằng khen chính phủ, Trung ương Hội, UBND tỉnh.