Ám ảnh làn khói mỏng
Cập nhật lúc: 09:01 28/05/2020
Thuốc lá tàn phá sức khỏe
Mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, suốt 6 năm nay, ông Phạm Văn Đính (77 tuổi, ở thôn 6, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) thường xuyên phải vào Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh vì bệnh diễn tiến xấu dần theo thời gian. Thời gian gần đây, ông hay bị những cơn khó thở dẫn đến phải thở ô xy. Ông Đính bộc bạch: “Cái bệnh này là do tôi hút thuốc lâu ngày mà ra. Từ năm 10 tuổi tôi bắt đầu hút thuốc. Ngày còn trẻ, trung bình mỗi ngày tôi hút 1-2 bao, lúc gặp gỡ bạn bè có khi còn hút nhiều hơn. Sau này, khi tuổi lớn hơn, tôi có hạn chế nhưng vẫn hút nhiều. Khi vào viện điều trị, các bác sĩ đã khuyên tôi bỏ thuốc, nhưng hút thuốc quá lâu, không thể nói bỏ là bỏ được, tôi đã kiềm chế nhiều, một ngày chỉ hút 1 điếu để đỡ cơn ghiền. Chính vì không bỏ được thuốc, nên cuộc sống của tôi lâu nay đã xem bệnh viện là nhà, còn nhà là quán trọ. Chỉ tội cho vợ tôi, vì đi chăm chồng mà phải vào ở trong bệnh viện, nhà đóng cửa để không”.
Tương tự, bệnh nhân Hà Văn Thanh (51 tuổi, ở thôn 9, xã Đắk Wil, huyện Cư Jut, tỉnh Đắk Nông) cũng vào cấp cứu tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh trong tình trạng đau thắt vùng ngực, khó thở. Các bác sĩ chẩn đoán ông Thanh bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính vì hút quá nhiều thuốc lá. Trải qua những cơn đau tưởng chừng như “không thể sống nổi”, ông Thanh ân hận: Hơn chục ngày nhập viện cũng là chừng đó thời gian tôi rời bỏ được thuốc lá. Tôi mong mọi người đừng ai giống như tôi, nhất là các bạn trẻ nếu chưa từng đụng đến thuốc lá thì đừng bao giờ thử”.
51 tuổi, anh Hà Văn Thanh thường xuyên phải vào viện cấp cứu do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính vì hút thuốc lá lâu dài. |
Bác sĩ Nguyễn Thị Bê, Trưởng Khoa Nội 1, Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh cho biết, những trường hợp nhập viện như hai bệnh nhân nói trên tương đối nhiều. Trung bình mỗi ngày, khoa tiếp nhận và điều trị cho khoảng 35 - 40 bệnh nhân mắc bệnh về hô hấp, trong đó có từ 80 - 90% số bệnh nhân mắc các bệnh có liên quan đến thuốc lá.
Từ bỏ thuốc lá trước khi quá muộn
Bác sĩ Rmah Lương, Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh cho biết, trong số hơn 7.000 tạp chất có trong thành phần của khói thuốc lá thì có khoảng 4.000 chất độc hóa học, 50 chất gây ung thư, CO (khí gây khó thở), nicotin (chất gây nghiện)... Khi hút thuốc, các tạp chất này tác động đến tất cả các cơ quan chứ không riêng mình phổi, gây ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của con người, từ những bệnh nhỏ nhất ở vùng hầu họng cho đến các bệnh lý toàn thân. Các bệnh thường gặp nhất do hậu quả của hút thuốc lá là ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phế quản mạn tính, tăng huyết áp, tim mạch, xơ vữa động mạch…
Theo kết quả các nghiên cứu y khoa, ở người nghiện thuốc lá, nguy cơ tử vong vì bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cao gấp 66 lần; tỷ lệ tử vong do ung thư phổi cao gấp 22 lần; nguy cơ ung thư thực quản cao gấp 8-10 lần, nguy cơ ung thư thanh quản cao gấp 12 lần, nguy cơ tai biến mạch máu não tăng gấp 2-4 lần và nguy cơ mắc bệnh tim mạch gấp 2-3 lần so với người không hút thuốc lá.
Vì hút thuốc lá, nhiều người đã phải sống phụ thuộc vào bệnh viện. |
Bác sĩ Rmah Lương cũng cho biết thêm, hầu như mọi bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính vào điều trị tại bệnh viện đều có liên quan đến thuốc lá. Một số trường hợp nữ bệnh nhân không hút thuốc lá trực tiếp nhưng lại thường xuyên bị ảnh hưởng bởi khói thuốc do người nhà sử dụng thuốc lá. Đến hiện tại, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị lên cơn nên bệnh nhân phải tái khám định kỳ sau điều trị cấp và được quản lý hồ sơ điều trị ngoại trú. Đặc biệt, những bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn III, IV hầu như ở bệnh viện triền miên, có người cứ 1 tuần vào viện, 1 tuần ra viện rồi lại vào viện. Do đó, thời gian, kinh phí điều trị cho bệnh nhân rất tốn kém, đó là chưa kể bệnh nhân thường xuyên vào viện không thể lao động, lại phải có người nhà đi chăm nuôi, ảnh hưởng lớn đến gia đình và xã hội.
Chính vì những tác hại khôn lường của thuốc lá, bác sĩ Rmah Lương khuyến cáo, những người chưa từng hút thuốc lá thì đừng hút, còn những người đã hút thuốc lá thì nên bỏ thuốc trước khi bệnh khởi phát.
Kim Oanh
Các tin khác
- Cảnh giác với lời mời lao động sang làm việc thời vụ tại Hàn Quốc
- Cấp thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
- Năm 2021 tiếp tục rà soát, kiện toàn cơ cấu tổ chức cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập
- Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại buôn Alê A
- Cùng khởi động nhắn tin “chung sức vì đồng bào Miền Trung”
- Ghi nhận ngày đầu tiên thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn tỉnh
- Thủ tướng đồng ý cho mở lại dịch vụ karaoke, vũ trường
- Ra mắt Fanpage truyền thông về Cuộc vận động “Hiến kế xây dựng và phát triển tỉnh Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh”