Chị Võ Thị Kim Hoàng (sinh năm 1980) - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai đã có gần 15 năm gắn bó với công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ. Thời gian qua, chị đã mang nhiệt huyết, tấm lòng của mình triển khai nhiều hoạt động nhân đạo thiết thực, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh vươn lên trong cuộc sống.
Chị Võ Thị Kim Hoàng tặng quà cho người nghèo
Sinh ra và lớn lên tại quê hương “đất võ” - Bình Định nhưng chị lại chọn vùng đất Tây Nguyên đầy nắng gió để lập nghiệp và cống hiến. Về làm công tác Hội ở một huyện kinh tế còn gặp khó khăn, có nhiều hộ nghèo, nạn nhân chất độc da cam, người già cô đơn không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi, người tàn tật… ban đầu là một thách thức. Để làm tốt công tác nhân đạo, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, chị Hoàng luôn trăn trở suy nghĩ phải có nhiều cách làm hay, sáng tạo phù hợp với tình hình địa phương, đặc biệt là phương pháp vận động nguồn lực để hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng yếu thế.
Hằng năm, chị cùng Ban Chấp hành Hội Chữ thập đỏ huyện định hướng, xây dựng kế hoạch công tác và tổ chức triển khai thực hiện một cách chu đáo, nhanh chóng đạt kết quả cao. Điển hình như Cuộc Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”. Hội Chữ thập đỏ huyện đã xây dựng kế hoạch cụ thể, chỉ đạo Hội Chữ thập đỏ các cơ sở khảo sát nhu cầu cần trợ giúp của các đối tượng khó khăn để từ đó có hình thức vận động phù hợp, trợ giúp đúng nhu cầu của đối tượng. Từ khi triển khai đến nay, Hội Chữ thập đỏ huyện Đak Pơ đã khảo sát, lập được trên 500 hồ sơ địa chỉ cần trợ giúp, vận động được 214 tổ chức, cá nhân đăng ký trợ giúp thường xuyên cho 456 đối tượng khó khăn với tổng giá trị đạt trên 2 tỷ đồng. Trong hoạt động vận động hiến máu tình nguyện, Hội đã phối hợp với chính quyền, ban ngành, đoàn thể vận động nhân dân và hội viên hưởng ứng nhiệt tình, đưa huyện Đak Pơ trở thành điểm sáng trong hoạt động hiến máu nhân đạo. Hằng năm, Hội vận động được trên 400 đơn vị máu, vượt chỉ tiêu được giao, góp phần cứu giúp nhiều bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, các hoạt động: Phát cơm cháo miễn phí cho bệnh nhân nghèo, xây nhà Chữ thập đỏ, dự án “Ngân hàng bò”, mô hình “Thùng gạo tình thương đặt tại cơ sở xay xát”, Phong trào: “Tết vì người nghèo và Nạn nhân chất độc da cam”… đã được huyện Hội triển khai hiệu quả. Với sự nhanh nhạy, năng động trong công việc của nữ Chủ tịch Hội và sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ hội viên, tổng giá trị nhân đạo từ 2015-2020 của Hội CTĐ huyện Đak Pơ đạt 6,8 tỷ đồng, trợ giúp cho gần 31.000 lượt đối tượng khó khăn, yếu thế trên địa bàn.
Nói về những việc làm được, nữ Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện bày tỏ: “Lúc mới được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Đak Pơ, tôi rất lo lắng vì bản thân kinh nghiệm còn yếu, không đảm đương được trọng trách. Tuy nhiên, tôi luôn cố gắng học hỏi, vận dụng những cách làm mới. Đã làm công tác Chữ thập đỏ thì phải có cái “tâm” và dám nghĩ, dám làm. Chỉ mong chia sẻ bớt phần nào nỗi cơ cực với những mảnh đời bất hạnh. Đem niềm vui đến cho người khác chính là đem niềm vui đến cho mình…”.
Làm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện nhưng chị luôn sâu sát với cơ sở, đích thân đi khảo sát từng đối tượng khó khăn, nắm rõ nhu cầu hoàn cảnh của họ để từ đó có hình thức trợ giúp phù hợp. Theo chị đi vận động nhà tài trợ cần có khả năng thuyết phục, nhưng khi đến với các mảnh đời bất hạnh thì phải xuất phát từ cái tâm thật sự. Đối với chị, điều ấn tượng nhất trong công việc không phải là đi vận động các Mạnh thường quân mà là đến với những gia đình nghèo, neo đơn, bất hạnh để khảo sát thực tế và tìm ra cách giúp họ khắc phục khó khăn.
Những lần đi công tác tại cơ sở đã để lại cho chị rất nhiều kỷ niệm khó quên. Trường hợp em Nguyễn Ngọc Duy, sinh năm 1996 (thôn Hiệp Phú - xã Cư An) gia đình rất nghèo, bố mẹ không có việc làm ổn định. Bản thân Duy bị khuyết tật từ nhỏ, tay chân bị teo cơ và em chưa một lần được đến lớp như bao bạn bè cùng trang lứa nhưng Duy lại có một trí tuệ rất thông minh, ham học hỏi và giàu nghị lực vượt khó. Nhận thấy được tiềm năng đó của em chị đã vận động Công ty Nước Sài Gòn - An Khê cùng Hội Bảo trợ Người tàn tật và trẻ mồ côi huyện hỗ trợ cho em một chiếc máy vi tính trị giá gần 9 triệu đồng để hàng ngày em tự học và rèn luyện thêm kỹ năng, sau này hỗ trợ trong công việc mưu sinh của mình. Đến nay, với sự nỗ lực của bản thân, em Duy đã biết đọc, biết viết, sử dụng thành thạo máy vi tính và tìm được nhiều niềm vui do chiếc máy vi tình mang lại.
Trường hợp anh Nguyễn Văn Đẩu (xã Phú An) gia đình thuộc diện hộ nghèo, trong nhà không có tài sản gì đáng giá ngoài chiếc Ti vi đã cũ. Anh Đẩu là lao động chính trong nhà nhưng sức khỏe yếu, thu nhập từ công việc làm thuê bấp bênh trong khi các con đang tuổi ăn học. Biết được hoàn cảnh của anh, chị Hoàng đã cùng với Hội Chữ thập đỏ huyện vận động các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn hỗ trợ cho anh một con bò cái sinh sản, đến nay con bò đã sinh được 3 bê con (trong đó 01 con bê được luân chuyển cho hộ nghèo khác nuôi ) và gia đình anh Đẩu đã được thoát nghèo. Chia sẻ với chúng tôi, anh Đẩu hồ hởi: “Nhà mình trước nghèo lắm, quanh năm làm thuê không đủ ăn, từ khi được cấp bò vợ chồng mình có động lực để cố gắng. Bò dễ nuôi lại ít khi bị bệnh, 4 năm cho ra đời 3 bê con khỏe mạnh nên mấy năm gia đình mình đã bớt khó khăn, các cháu không còn phải lo bị thất học”. Anh Đinh Tô (Làng Leng Tô, thị trấn Đak Pơ) là một người bị khuyết tật đã gần 20 năm nay, chân bị teo cơ, không có khả năng đi lại, chị đã vận động Hạt kiểm Lâm của huyện hỗ trợ thường xuyên hàng tháng cho anh 100.000 đồng theo tinh thần Cuộc vận động “mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” từ năm 2009 đến nay. Sự hỗ trợ đó đã góp phần động viên tinh thần để anh vượt qua mặc cảm và vươn lên trong cuộc sống.
Việc nước đã giỏi, việc nhà chị Hoàng cũng rất chu toàn. Chồng là bộ đội thường xuyên vắng nhà, một mình chị đảm đương vai trò người mẹ “nuôi con khỏe dạy con ngoan”, làm tròn bổn phận với hai bên nội ngoại. Chị chia sẻ, với cương vị là người “đầu tàu” của Hội, trong đời sống và công tác, chị luôn xác định cho mình phải có cái tâm, chịu khó nghiên cứu, học hỏi, tích lũy vốn kiến thức; xây dựng, phát triển phong trào, hoạt động Hội phù hợp với điều kiện địa phương, làm công tác Hội có “cái khó riêng”, nhưng tất cả đều phải xuất phát từ cái tâm trong sáng, biết lắng nghe, gần gũi, biết cảm thông, chia sẻ và luôn đặt mình vào vị trí của người nghèo để tìm giải pháp tốt nhất giúp họ vượt qua khó khăn.
Từ những việc làm thiết thực, sáng tạo và hiệu quả, chị Võ Thị Kim Hoàng vinh dự được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tặng “Kỷ niệm chương vì sự nghiệp nhân đạo”. Hằng năm, Trung ương Hội và Hội Chữ thập đỏ tỉnh khen thưởng vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ, UBND huyện Đak Pơ tặng giấy khen có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước.
Phương Thúy