Đắk Lắk nỗ lực phòng chống hạn hán bảo vệ sản xuất nông nghiệp
Cập nhật lúc: 11:19 06/05/2019
Đầu năm 2016, tình hình khô hạn trên địa bàn tỉnh diễn ra trên diện rộng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất nông nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân. Trước diễn biến bất thường của thời tiết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tích cực phối hợp với các ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp phòng, chống hạn nhằm hạn chế thiệt hại do hạn hán gây ra.
Ước tính thiệt hại do hạn hán gây ra mất hơn 480 tỷ đồng.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, theo báo cáo sơ bộ của các địa phương, tính đến 21/3, toàn tỉnh có 20.870 ha cây trồng bị hạn, trong đó lúa nước hạn 2.640 ha (có 334 ha mất trắng), cà phê hạn 15.766 ha, hồ tiêu hạn 802 ha…Thiệt hại do hạn hán gây ra ước tính khoảng 486 tỷ đồng. Trên cơ sở xác định cấp độ rủi ro thiên tai do hạn hán trên địa bàn tỉnh của Đài Khí tượng thủy văn Đắk Lắk, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định công bố tình trạng thiên tai cấp độ 1 tại 7 địa phương trong tỉnh gồm: Ea H’leo, Ea Súp, Buôn Đôn, Cư M’gar, Krông Búk, Krông Năng và thị xã Buôn Hồ. Với thông tin nhận định về xu thế thời tiết năm 2016 và căn cứ thực tế nguồn nước trên địa bàn, dự báo tình hình hạn hán vụ Đông Xuân 2015 -2016 là hết sức khốc liệt. Theo dự kiến của ngành nông nghiệp, toàn tỉnh sẽ có khoảng 80.000 ha cây trồng bị hạn, khoảng 25.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt.Trong tổng số 770 công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh, hiện nay tổng dung tích hồ chứa chỉ còn khoảng 150 triệu m3(trong tổng số dung tích khoảng 630 triệu m3) tập trung chủ yếu ở 3 hồ chứa lớn là Ea Súp Thượng (60 triệu m3), Krông Búk Hạ (70 triệu m3), Buôn Yong (6 triệu m3). Dự kiến đến cuối tháng 3/2016 sẽ có khoảng 250 hồ chứa bị khô cạn và nhiều trạm bơm không còn nguồn nước để bơm tưới, nhiều vùng khai thác nước ngầm rất khó khăn.
Hồ Ea Blong 1, xã Ea Sol, Ea H’leo cạn trơ đáy đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã.
Ông Mai Trọng Dũng – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng tiểu Ban chỉ đạo Phòng chống hạn vụ Đông Xuân 2015 - 2016 của tỉnh cho biết, trước diễn biến bất lợi của thời tiết và dự báo mức độ hạn hán trong vụ Đông xuân năm 2015 - 2016 là hết sức khốc liệt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hướng dẫn các địa phương trong tỉnh rà soát, đánh giá nguồn nước để cân đối xây dựng kế hoạch sản xuất với định hướng giảm diện tích lúa nước so với các năm trước; yêu cầu các địa phương, đơn vị trong tỉnh chủ động tăng cường các giải pháp phòng và chống hạn nhằm bảo vệ sản xuất và đảm bảo nước sinh hoạt cho nhân dân. Sở cũng đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt phương án số 1034/PA-UBND ngày 05/02/2016 về phòng chống hạn hán vụ Đông xuân năm 2015 – 2016 trên địa bàn tỉnh.
Theo thống kê của các địa phương, tính đến 21/3, trong tổng số diện tích 20.870 ha cây trồng bị hạn, các địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất là huyện Krông Búk 6.034 ha, huyện Ea H’leo 5.085 ha, huyện Krông Ana 3.510 ha, huyện Cư M’gar 2.115 ha. Toàn tỉnh hiện có 13.207 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt, tập trung ở các địa bàn: huyện Krông Ana 2.851 hộ, huyện Ea Súp 2.450 hộ, huyện Ea H’leo 2.150 hộ, huyện Buôn Đôn 2.000 hộ...
Nhiều biện pháp chống hạn được tích cực triển khai
Ngay từ cuối năm 2015, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, các chủ quản lý công trình thủy lợi đảm bảo an toàn hồ chứa, chủ động nâng cao ngưỡng tràn để tăng dung tích trữ, nạo vét kênh mương khơi thông dòng chảy, đắp các đập tạm để giữ nước, xây dựng một số trạm bơm chống hạn ở các vùng ven sông có nguồn nước ở một số địa phương như Lắk, Krông Bông, Krông Ana, Cư Kuin, Ea Kar; bơm chuyền nước hoặc xả nước từ những công trình có nguồn nước dư thừa (hồ Krông Búk hạ, hồ Phú Khánh...). Các địa phương cũng đã tổ chức vận hành công trình tưới tiết kiệm, khuyến cáo nhân dân chuyển đổi mùa vụ gieo trồng sớm, sử dụng giống cây ngắn ngày, chịu hạn hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng các loại cây chịu hạn. Trước tình hình hạn hán khốc liệt, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương không để xảy ra tình trạng người dân không có nước sinh hoạt. Đối với các khu vực khan hiếm nguồn nước, công tác chống hạn cần ưu tiên theo thứ tự: nước phục vụ sinh hoạt, nước uống cho gia súc gia cầm, nước tưới cho cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao.
Bên cạnh sự nỗ lực của các cấp chính quyền, các hộ nông dân cũng đã triển khai nhiều giải pháp lấy nước tưới cho cà phê
nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra.
Ông Trần Ba – Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Pắk cho biết, nhằm chủ động ứng phó, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra, UBND huyện đã xây dựng phương án chống hạn số 18/PA-UBND ngày 19/11/2015, trong đó xác định rõ các vùng có thể xảy ra hạn hán cũng như phương án phòng chống cụ thể. Để phục vụ cho công tác chống hạn, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cũng đã có văn bản đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh hỗ trợ hơn 13 tỷ đồng để kịp thời sửa chữa, kiên cố hóa, nạo vét các kênh mương, đập thủy lợi, hồ chứa trên địa bàn.
Chủ động thực hiện phương châm 4 tại chỗ trong chống hạn
Trước diễn biến bất thường của thời tiết, triển khai tinh thần chống hạn của UBND tỉnh, các địa phương đã chủ động triển khai chống hạn theo phương châm 4 tại chỗ, bố trí ngân sách dự phòng để chống hạn đồng thời huy động nguồn lực trong nhân dân tích cực chống hạn bảo vệ sản xuất và đảm bảo nước sinh hoạt. UBND huyện Ea H’leo đã hỗ trợ cho người dân múc hồ để lấy nước tưới cứu hạn cho cà phê và hồ tiêu, hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo đào giếng đảm bảo nước sinh hoạt, đối với những vùng nước ngầm giảm sâu đã triển khai khoan 6 giếng và lắp đặt bơm, bồn chứa để cấp nước tập trung cho nhân dân, trong đó xã Ea Tir 3 giếng, xã Ea Ral 1 giếng, xã Ea H’leo 2 giếng. Ngoài ra, huyện còn tổ chức lắp đặt 10 bồn chứa nước để vận chuyển nước đến cung cấp cho nhân dân xã Cư Amung, khoan sâu một số giếng ở xã Dliê Yang. Huyện Cư Mgar cũng đã triển khai lắp đặt hệ thống bơm, bồn chứa cho 5 điểm cấp nước sinh hoạt tập trung cho các vùng hạn trọng điểm như xã Ea Kuêh, Ea Kiết, Ea Mros, Cư M’gar. Huyện Buôn Đôn đã đầu tư khoảng 1,4 tỷ đồng tổ chức khoan và lắp đặt máy bơm, bồn chứa nước tập trung tại 20 điểm thiếu nước sinh hoạt, hỗ trợ dầu bơm ở một số vùng có diện tích cây trồng bị hạn lớn. Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi đã thực hiện đắp cao đập dâng mực nước hồ Lắk, tăng dung tích trữ lên hàng chục triệu m3nước cung cấp nguồn nước bơm tưới cho xã Yang Tao, Bông Krang, thị trấn Liên Sơn và một phần của Buôn Tría. UBND Huyện Lắk cũng đã tổ chức đào 1 giếng lớn để cấp nước sinh hoạt cho nhân dân Buôn Cư La Săn, xã Ea Sô; nhân dân xã Đắk Liêng cũng đã phải khoan 26 giếng trên các cánh đồng lúa để lấy nước cứu lúa.
Nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã khoan thêm giếng lấy nước tưới cà phê.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, về lâu dài, để phát triển sản xuất bền vững trước sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Chính phủ đầu tư các dự án hỗ trợ trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng tự nhiên để đảm bảo nguồn sinh thuỷ và chống bồi lắng lòng hồ; đầu tư đồng bộ dự án xây dựng các công trình thủy lợi lớn trọng điểm đồng thời nâng cấp các công trình thủy lợi vừa và nhỏ, hoàn thiện hệ thống kênh mương nhằm đáp ứng đủ nguồn nước vụ nhu cầu phát triển sản xuất của nhân dân trong tỉnh. Nhu cầu phát triển sản xuất tăng nhanh, trước tình hình biến đổi khí hậu, nguồn nước phục vụ sản xuất ngày càng có nguy cơ bị thiết hụt, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu chính sách đầu tư áp dụng công nghệ tưới nước tiến tiến, tiết kiệm để bảo vệ nguồn nước và phục vụ sản xuất đạt hiệu quả, hạn chế thiệt hại do hạn gây ra.