Hội nghị trực tuyến Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử
Cập nhật lúc: 16:05 12/02/2020
Sáng 12/2, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia (UBQG) về Chính phủ điện tử (CPĐT) Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến UBQG về CPĐT với các Ban Chỉ đạo xây dựng CPĐT, chính quyền điện tử (CQĐT) bộ, ngành, địa phương.
Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk
Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng CQĐT tỉnh Nguyễn Tuấn Hà cùng các đồng chí là Phó Trưởng Ban, thành viên và tổ giúp việc của Ban Chỉ đạo xây dựng CQĐT tỉnh.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị (Ảnh chụp màn hình)
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã trình bày báo cáo sơ kết năm 2019, tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020 và định hướng đến 2025. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng báo cáo thêm một số kết quả triển khai nhiệm vụ Cải cách hành chính gắn với xây dựng Chính phủ điện tử do Văn phòng Chính phủ chủ trì, triển khai thực hiện trong năm 2019.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đánh giá công tác triển khai Chính phủ điện tử tại Hội nghị
Theo báo cáo tại Hội nghị, năm 2019, công tác xây dựng CPĐT, CQĐT đã có chuyển biến cơ bản trong việc sử dụng văn bản điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước. 100% bộ, ngành, địa phương đã kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử với Trục liên thông văn bản quốc gia. Khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia và cơ sở dữ liệu (CSDL) chuyên ngành bảo hiểm xã hội liên thông với các CSDL khác. Kết nối, chia sẻ dữ liệu được quan tâm: Tỷ lệ các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) tăng từ 3% năm 2018 lên 27% năm 2019. Cổng Dịch vụ công quốc gia được đưa vào vận hành là đầu mối cung cấp thông tin, hỗ trợ tra cứu thông tin, giám sát tình trạng giải quyết thủ tục hành chính và tra cứu kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Tỷ lệ công trực tuyến mức độ 4 tăng gấp đôi.
Các đại biểu tham gia Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội (Ảnh chụp màn hình)
Về phát triển Hệ tri thức Việt số hóa để kết nối, chia sẻ tri thức cho các tầng lớp xã hội trong thời đại số. Đến nay, dữ liệu mở có hơn 100.000 dataset; ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm trong lĩnh vực giáo dục có hơn 10.000 câu. Năm 2019, Hệ tri thức Việt số hóa có bước phát triển mạnh mẽ với sự kiện khai trương bản đồ Vmap có hơn 24 triệu địa chỉ, tạo nền bản đồ cho các ứng dụng kinh tế - xã hội, góp phần phát triển thương mại điện tử và Hệ thống thông tin nhân đạo điện tử (iNhandao) tin học hóa hoạt động hội chữ thập đỏ, phát triển nền tảng thiện nguyện số.
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những kết quả đã đạt được của các Bộ, ngành, địa phương trong xây dựng CPĐT thời gian vừa qua, đồng thời nêu rõ, CPĐT là vấn đề khó, cần sự quyết tâm và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc thì mới có thể thành công. Do đó, Thủ tướng yêu cầu các Bộ cần đảm bảo nguồn tài chính để triển khai xây dựng CPĐT; nhanh chóng ban hành các Nghị định quan trọng tạo hành lang pháp lý cho triển khai CPĐT; chuẩn bị các bước để sửa Luật Giao dịch điện tử và Luật Lưu trữ; xây dựng, hoàn thiện các hệ thống tạo nền tảng CPĐT. Các bộ, ngành, địa phương cần quản lý tốt, hiệu quả, chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng CPĐT, CQĐT; đề cao vai trò của người đứng đầu và sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong trong triển khai xây dựng CPĐT. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện xây dựng CPĐT đi liền với tinh gọn bộ máy, gắn với cải cách hành chính, ứng dụng CNTT; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực cho CPĐT…
Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh, Bộ TT&TT cần đề ra nhiệm vụ, giải pháp mới để thực hiện có hiệu quả lộ trình xây dựng chính phủ điện tử của Việt Nam trong năm 2020. Chính phủ điện tử không phải làm một lúc là xong được mà chia làm nhiều giai đoạn, có những giai đoạn quan trọng, trong đó năm 2020 là năm nhiều thách thức, nhất là khi đang diễn ra dịch corona.
Tại Hội nghị, các Bộ, ngành, địa phương đã góp ý nhiều vấn đề trong quá trình triển khai xây dựng Chính phủ điện tử thời gian qua. Nghe tham luận của Bộ Công thương và UBND tỉnh An Giang sẽ về những kinh nghiệm triển khai chính phủ điện tử tại Bộ và địa phương.
Kim Bảo
Các tin khác
- Tặng 1.900 suất quà cho hộ gia đình khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid – 19 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
- Đắk Lắk sẽ đổi mới quy trình tuyển chọn, bổ nhiệm lãnh đạo cấp Sở, cấp phòng
- Trẻ mầm non, học sinh tiểu học, khối lớp 6, 7, 8 THCS đi học trở lại từ ngày 04/5/2020
- Văn phòng Tỉnh ủy tập huấn phần mềm gửi, nhận và xử lý văn bản có nội dung không mật trên internet
- Thủ tướng chỉ thị tiếp tục các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới
- Ngày 27-4: Học sinh lớp 9, khối THPT và GDTX đi học trở lại
- Hội Chữ thập đỏ tỉnh tặng quà cho các hộ gia đình khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid – 19 tại huyện Ea Súp
- Thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chúc mừng 70 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam