Khởi động Chương trình sản xuất kết hợp với bảo tồn tài nguyên và an sinh xã hội tại huyện Krông Năng

Cập nhật lúc: 15:30 06/08/2019

Sáng 06/8, UBND tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững IDH tổ chức họp Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình sản xuất kết hợp với bảo tồn tài nguyên và an sinh xã hội (Chương trình PPI). Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình Y Giang Gry Niê Knơng chủ trì hội nghị. Tham dự cuộc họp còn có lãnh đạo Sở, ngành, UBND huyện Krông Năng, đại diện tổ chức IDH, doanh nghiệp liên quan.

UBND huyện Krông Năng và Công ty cà phê Simexco ký kết triển khai chương trình

Chương trình PPI là một cách tiếp cận mới được IDH phát triển ở những khu vực địa lý khác nhau để cân bằng giữa các hoạt động phát triển kinh tế, an sinh xã hội và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Tại Việt Nam, Chương trình sẽ được triển khai thí điểm ở huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk và huyện Di Linh, Lạc Dương tỉnh Lâm Đồng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng phát biểu tại cuộc họp

Đối với huyện Krông Năng, Chương trình PPI triển khai thực hiện thí điểm tại huyện hướng tới xây dựng vùng cảnh quan cà phê bền vững trên tổng diện tích 5.200 ha với sự tham gia của 4.000 nông hộ ở 3 xã Ea Tân, Ea Toh và Dlie Ya; trong đó, có 3.720 ha cà phê và 1.480 ha tiêu và cây ăn trái. Các hoạt động chính trong Chương trình gồm: xây dựng mô hình cụm cảnh quan cà phê bền vững với diện tích rộng 440 ha; tái cấu trúc chuỗi cung ứng vật tự vào (cây giống, phân bón và thuốc BVTV); xây dựng mô hình dịch vụ nông nghiệp, tư vấn phân tích đất và sử dụng hóa chất nông nghiệp; thành lập và nâng cao năng lực của các Hợp tác xã và Học tập sáng tạo thông qua tập huấn nông dân chia sẻ mô hình ứng dụng công nghệ và sáng kiến mới.

 Mục tiêu hướng tới năm 2025 là 100% cà phê sản xuất ra đạt tiêu chuẩn bền vững được thị trường đón nhận, giảm lượng nước tưới sử dụng 25%, giảm lượng sử dụng hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật 15% và tăng thu nhập của nông dân trồng cà phê 30%. Chương trình được thực hiện thông qua hợp tác công – tư, có sự tham gia của chính quyền địa phương, UBND huyện Krông Năng và các xã, IDH, nhà rang xay cà phê toàn cầu JDE, dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững, Công ty Simexco, ngân hàng, công ty cung ứng vật tư đầu vào.

Ông Phạm Công Trí, Viện Khoa học Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên trình bày về phương pháp tiếp cận của chương trình

Riêng tiếp cận cụm cảnh quan là một sáng kiến do IDH khởi xướng đã thí điểm xây dựng năm 2018 ở HTX Ea Tân, Krông Năng. Theo đó, cụm cảnh quan là một khu vực, vùng trồng cà phê diện tích liền kề được xác định bởi ranh giới, bao gồm yếu tố địa lý/địa hình, nguồn nước, độ che phủ thảm thực vật, khí hậu/thời tiết và các yếu tố tác động bởi con người thông qua chuỗi các hoạt động can thiệp và các hoạt động văn hóa xã hội, sinh hoạt hằng ngày của con người trong cụm cảnh quan,..Cà phê cảnh quan hướng tới tiêu chí gồm: Tính đa dạng sinh học trong canh tác sản xuất cà phê, bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên, sinh kế bền vững.

Các bên liên quan cùng tham gia buổi ký kết triển khai Chương trình PPI tại Đắk Lắk

Tại cuộc họp, đại diện các bên liên quan đã cùng tham gia ký kết biên bản ghi  nhớ triển khai chương trình sản xuất kết hợp với bảo tồn nguồn tài nguyên và an sinh xã hội tại tỉnh Đắk Lắk; UBND huyện Krông Năng và Công ty Simexco đã ký kết cam kết triển khai dự án.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng đánh giá cao sự nỗ lực của các bên liên quan và UBND huyện Krông Năng trong việc khởi động chương trình này. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng phức tạp, ngành cà phê đang đối mặt với nhiều thách thức về chi phí sản xuất gia tăng, giá thành bán ra thấp.

 Việc thí điểm triển khai Chương trình PPI ở Đắk Lắk không chỉ cho phép người dân giảm lượng sử dụng nước và hóa chất nông nghiệp, từ đó giảm chi phí sản xuất; hơn thế nữa, còn hỗ trợ nông dân bảo tồn tài nguyên đất, nước cũng như tăng hiệu quả sản xuất, giúp nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế xã hội bền vững, bảo vệ tài nguyên rừng. Để việc triển khai thực hiện Chương trình có hiệu quả, đồng chí lưu ý các đơn vị liên quan cần phối hợp, vào cuộc đồng bộ, thống nhất; tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của bà con nông dân tham gia vào Chương trình từ đó thay đổi thói quen canh tác, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm để dần nhân rộng Chương trình ở các địa phương khác trên địa bàn tỉnh.

Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững IDH do Chính phủ Hà Lan, Đan Mạch, Na Uy và Thụy Điển tài trợ, được thành lập 2008. Tính đến nay, tổ chức IDH đã triển khai các hoạt động trên 30 quốc gia vùng/lãnh thổ trên 3 Châu lục, với vai trò điều phối và đồng tài trợ. Hoạt động của IDH bao gồm 12 chương trình ngành hàng và chương trình cảnh quan bền vững. Trong đó Chương trình cảnh quan bền vững (ISLA) đã bắt đầu triển khai từ năm 2014 ở Tây Nguyên, Việt Nam. Mục tiêu chính của ISLA là giải quyết các vấn đề bền vững cấp vùng thông qua việc kết nối các đối tác công tư liên quan trong khu vực để tiến hành giải pháp can thiệp.

Kim Bảo