Những người "thắp lửa" cho phong trào phụ nữ

Cập nhật lúc: 10:15 08/03/2021

 

Bằng năng lực, tinh thần trách nhiệm và sự nhiệt huyết, nhiều cán bộ hội phụ nữ trên địa bàn thị xã Buôn Hồ đã có những đóng góp quan trọng trong xây dựng, phát triển phong trào phụ nữ của địa phương. Họ vừa thực hiện tốt vai trò “đầu tàu” trong công tác hội vừa chu toàn việc phát triển kinh tế, chăm lo cho gia đình.

Tham gia công tác hội từ năm 2004, chị Văn Thị Kim Oánh, Chủ tịch Hội LHPN phường An Lạc luôn được người dân, đặc biệt là chị em phụ nữ yêu mến, tin tưởng bởi sự nhiệt tình, tâm huyết với công tác hội và phong trào phụ nữ ở địa phương. Trưởng thành từ phong trào ở cơ sở, năm 2012, chị Oánh được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội LHPN phường An Lạc. Chị luôn nhận thức việc cán bộ hội như người “làm dâu trăm họ”, không nhiệt tình, gương mẫu thì không thể lôi cuốn, thu hút chị em; không tạo được tín nhiệm, công tác hội cũng khó thành công. Chính vì thế, chị luôn bám sát cơ sở, gần gũi chị em, từ đó triển khai thực hiện nhiều phong trào, hoạt động giúp nhau phát triển kinh tế có hiệu quả, tạo sự đồng thuận cao trong hội viên như: hỗ trợ hội viên khó khăn vay vốn khởi nghiệp, nuôi heo đất, nhóm hùn vốn…

Bên cạnh đó, là người năng động, chị Oánh luôn cố gắng học hỏi, sáng tạo trong cách làm, xây dựng nhiều mô hình phù hợp với thực tiễn, tổ chức nhiều hoạt động thu hút hội viên, phụ nữ tham gia. Theo đó, chị đã đứng ra tổ chức, thành lập các mô hình, câu lạc bộ (CLB) như: CLB phụ nữ khỏe – đẹp, CLB nữ kinh doanh, mô hình khu dân cư xanh – sạch – đẹp và hộ gia đình phụ nữ dân tộc thiểu số tại chỗ phát triển kinh tế…

Chị Văn Thị Kim Oánh (thứ 2 từ trái sang) chia sẻ, động viên hội viên phát triển kinh tế.
Chị Văn Thị Kim Oánh (thứ hai từ trái sang) chia sẻ, động viên hội viên phát triển kinh tế.

Trong năm 2020, Hội LHPN phường An Lạc đã trao vốn khởi nghiệp cho 21 hội viên với tổng số tiền 127 triệu đồng; duy trì 15 nhóm tín dụng tiết kiệm với tổng số tiền 558 triệu đồng, cho 130 hội viên vay để phát triển kinh tế; trao 2 sổ tiết kiệm (5 triệu đồng/sổ) và 4 thẻ bảo hiểm y tế cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, Hội LHPN phường đã vận động cán bộ, hội viên và các nhà hảo tâm ủng hộ số tiền trên 50 triệu đồng, tham gia gói 1.000 bánh chưng hỗ trợ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng bão lũ…

Công việc bận bịu nhưng chị biết sắp xếp một cách khoa học nên vẫn chăm lo sản xuất, chăm sóc vườn tiêu với diện tích 7 sào để phát triển kinh tế gia đình, nuôi dạy các con. 

Với chị Trịnh Thị Mơ, Chi hội trưởng phụ nữ tổ dân phố Tân Bình, phường An Lạc, ngoài việc thực hiện tốt vai trò của chi hội trưởng phụ nữ, chị còn là tấm gương sáng vượt khó vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Năm 2010, qua tìm hiểu mô hình trồng nấm của một hộ dân trên địa bàn thị xã, chị bắt đầu trồng nấm. Đến năm 2018, chị Mơ đứng ra thành lập Tổ hợp tác rau an toàn nhằm chia sẻ kinh nghiệm trồng nấm, rau an toàn cho các hội viên phụ nữ; đồng thời giúp nhau phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống. Chị Mơ cho hay, mỗi loại nấm thích hợp với những điều kiện chăm sóc nhất định, nếu không cẩn thận có thể gây thất thoát hàng loạt, dẫn đến thua lỗ. Nhưng nếu nắm được kiến thức về nấm, ưu nhược điểm của từng loại thích hợp với môi trường khí hậu ra sao và kỹ thuật làm trại nuôi trồng, việc chọn nguyên liệu, chăm sóc… đầy đủ thì việc triển khai mô hình trồng nấm này hoàn toàn không khó. Hiện nay, Tổ hợp tác có 7 thành viên chuyên trồng nấm và rau sạch; riêng mô hình trồng nấm của gia đình chị Mơ có diện tích trên 200 m2 được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, với các loại nấm như bào ngư, nấm sò thái và nấm rơm cho thu nhập ổn định.

Chị Trịnh Thị Mơ giới thiệu mô hình trồng nấm theo tiêu chuẩn VietGAP của gia đình.
Chị Trịnh Thị Mơ giới thiệu mô hình trồng nấm theo tiêu chuẩn VietGAP của gia đình.

Không chỉ chịu khó làm ăn, chị Mơ còn nhiệt tình, tâm huyết với các phong trào hoạt động của tổ chức hội. Với sự nhạy bén, nhanh nhẹn của mình, chị kịp thời nắm bắt, chia sẻ khó khăn với nhiều gia đình hội viên thông qua việc cho mượn vốn để phát triển kinh tế. Chi hội đã xây dựng được một mô hình nuôi heo đất với số tiền tiết kiệm trên 22 triệu đồng và một mô hình hùn vốn với số tiền 120 triệu đồng nhằm giúp nhau phát triển kinh tế…

Thúy Hồng