Quy định mới về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức
Cập nhật lúc: 10:47 09/09/2017
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
(Ảnh minh họa)
Mục tiêu của việc đào tạo, bồi dưỡng nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng, phương pháp thực hiện nhiệm vụ trong hoạt động công vụ của cán bộ, công chức và hoạt động nghề nghiệp của viên chức, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị và năng lực, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, sự nghiệp phát triển của đất nước.
Đào tạo, bồi dưỡng phải căn cứ vào tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức; tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý; vị trí việc làm; gắn với công tác sử dụng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức, phù hợp với kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và nhu cầu xây dựng, phát triển nguồn nhân lực của cơ quan, đơn vị.
Thực hiện phân công, phân cấp trong tổ chức bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức, tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý; kết hợp phân công và cạnh tranh trong tổ chức bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm.
Đề cao ý thức tự học và việc lựa chọn chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm của cán bộ, công chức, viên chức.
Đối tượng, điều kiện đào tạo
Về đối tượng, điều kiện đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học, Nghị định quy định: Cán bộ, công chức cấp xã là người dân tộc thiểu số hoặc công tác tại các xã miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và phải có cam kết thực hiện nhiệm vụ, công vụ tại cơ quan, đơn vị sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp 2 lần thời gian đào tạo.
Về đào tạo sau đại học, cán bộ, công chức phải đáp ứng điều kiện: Có thời gian công tác từ đủ 3 năm trở lên (không kể thời gian tập sự) và 2 năm liên tục liền kề trước thời điểm được cử đi đào tạo hoàn thành tốt nhiệm vụ; không quá 40 tuổi tính từ thời điểm được cử đi đào tạo sau đại học lần đầu; có cam kết thực hiện nhiệm vụ, công vụ tại cơ quan, đơn vị sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp 2 lần thời gian đào tạo; chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm.
Điều kiện đào tạo sau đại học đối với viên chức gồm: Đã kết thúc thời gian tập sự (nếu có); có cam kết thực hiện nhiệm vụ, hoạt động nghề nghiệp tại cơ quan, đơn vị sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp 2 lần thời gian đào tạo; chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm.
Cán bộ, công chức, viên chức được cử đi học theo các chương trình hợp tác với nước ngoài được ký kết hoặc gia nhập nhân danh Nhà nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ngoài các quy định nêu trên còn phải đáp ứng yêu cầu khác của chương trình hợp tác.
Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo từ trình độ trung cấp trở lên bằng nguồn ngân sách nhà nước hoặc kinh phí của cơ quan quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức nếu tự ý bỏ học, bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc trong thời gian đào tạo; không được cơ sở đào tạo cấp văn bằng tốt nghiệp; đã hoàn thành và được cấp văn bằng tốt nghiệp khóa học nhưng bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc khi chưa phục vụ đủ thời gian cam kết thì phải đền bù chi phí đào tạo.
4 hình thức bồi dưỡng
Ngoài quy định đối tượng, điều kiện đào tạo thì Nghị định cũng quy định cụ thể về hình thức, nội dung, chương trình, chứng chỉ bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
Theo đó, có 4 hình thức bồi dưỡng: 1- Tập sự; 2- Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức; 3- Bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý; 4- Bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành bắt buộc hàng năm (thời gian thực hiện tối thiểu là 1 tuần/1 năm; một tuần được tính bằng 5 ngày học, một ngày học 8 tiết).
Nội dung bồi dưỡng gồm: Lý luận chính trị; kiến thức quốc phòng và an ninh; kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước; kiến thức quản lý chuyên ngành, chuyên môn, nghiệp vụ; đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp; kiến thức hội nhập quốc tế; tiếng dân tộc, tin học, ngoại ngữ.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 21/10/2017.
Các tin khác
- Phiên giám sát chuyên đề Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa IX
- Khai mạc Kỳ họp thứ Chín, HĐND tỉnh khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021
- Bí thư Tỉnh ủy tham quan Hội chợ nông nghiệp và sản phẩm OCOP khu vực Tây Nguyên tại Đắk Lắk năm 2019
- Quán triệt, triển khai thực hiện các quy định, hướng dẫn của Trung ương
- Khẩn trương khắc phục những hạn chế làm mất điểm Chỉ số Cải cách hành chính
- Tọa đàm kết nối sản phẩm, dịch vụ du lịch tỉnh
- Dâng hương tại Nhà Đày Buôn Ma Thuột kỷ niệm 79 năm ngày thành lập Đảng bộ tỉnh
- Ban Pháp chế thẩm tra các văn bản trình Kỳ họp HĐND tỉnh