Chủ động phòng thiếu máu do thiếu sắt
Cập nhật lúc: 08:46 16/06/2020
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu máu, trong đó thiếu máu do thiếu sắt là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất.
Sắt là một vi chất đóng vai trò chính trong việc tạo ra hồng cầu. Ở người bình thường, 90 - 95% lượng sắt trong cơ thể được tái sử dụng từ nguồn sắt do hồng cầu già bị phá hủy và giải phóng ra. Có 5 - 10% lượng sắt được bài tiết qua nước tiểu, mồ hôi, phân. Để bù lại lượng sắt mất đi, cơ thể nhận thêm sắt từ thức ăn và quá trình hấp thụ sắt diễn ra chủ yếu ở dạ dày tá tràng. Vì vậy, khi cơ thể bị mất máu hoặc không nhận được sắt từ thức ăn thì cơ thể sẽ thiếu vi chất này và không có đủ sắt để tạo ra hồng cầu dẫn tới tình trạng thiếu máu.
Diễn biến của việc thiếu máu thường âm thầm, từ từ nên nhiều người không biết mình bị thiếu máu. Trường hợp của chị Ngô Thị Vân (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) là một ví dụ. Mặc dù đang nuôi con nhỏ nhưng chị Vân lại không chú trọng chất lượng dinh dưỡng hằng ngày cũng như bổ sung viên sắt sau sinh. Chị thường xuyên bỏ bữa sáng. Khi con được 1 tuổi rưỡi, bé bú đêm nhiều hơn khiến cơ thể chị Vân vốn gầy gò, ốm yếu lại càng xanh xao, nhợt nhạt. Một hôm, khi đang làm việc, chị Vân thấy choáng, khó thở, sây xẩm mặt mày và bị ngã xuống đất, phải cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán chị Vân bị thiếu máu và suy nhược cơ thể.
Bảo đảm dinh dưỡng trong bữa ăn để phòng thiếu máu do thiếu sắt. |
Theo các bác sĩ Khoa khám (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên), hiện nay có rất nhiều bệnh nhân bị thiếu máu do thiếu sắt nhưng không biết rõ tình trạng bệnh dẫn tới bị choáng đột ngột và dễ gặp các tai nạn trong sinh hoạt hằng ngày. Nếu tình trạng thiếu máu kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống, chẳng hạn bệnh nhân có thể bị choáng, ngất.
Đối tượng dễ bị thiếu máu nhất là người cao tuổi, trẻ em đang trong giai đoạn phát triển, bé gái bước vào tuổi dậy thì, phụ nữ trong giai đoạn kinh nguyệt, phụ nữ có thai, phụ nữ sau sinh; những người có chế độ ăn không đủ chất, ăn kiêng, ăn chay, nghiện rượu, người cao tuổi; người bị viêm dạ dày, viêm ruột, phẫu thuật cắt đoạn ruột; những người bị chảy máu mãn tính, như: loét dạ dày gây chảy máu, ung thư ống tiêu hóa, bệnh trĩ kinh niên, nhiễm giun, polyp gây thủng ruột, phụ nữ rong kinh, rong huyết. Ngoài ra, thức ăn chứa thành phần giảm hấp thu sắt, như: tannin, chè, cà phê, đồ uống có gas… cũng dễ khiến cơ thể bị thiếu sắt.
Đối với trẻ em, việc thiếu máu, thiếu sắt ảnh hưởng nghiêm trọng đến vấn đề tăng trưởng và phát triển. Thiếu sắt còn dẫn đến việc trẻ dễ bị bệnh tật và nhiễm trùng, vì thiếu sắt ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống miễn dịch của cơ thể. Đối với bé gái tuổi dậy thì, đặc biệt trong chu kỳ kinh nguyệt, lượng sắt mất đi nhiều do mất máu qua kinh nguyệt là yếu tố nguy cơ cao gây thiếu sắt. Trong khi đó, mỗi tế bào hồng cầu có chứa sắt trong hemoglobin có vai trò vận chuyển oxy đến các mô của cơ thể. Vì thế khi bị thiếu máu, thiếu sắt dẫn tới việc hoạt động cơ bắp và chức năng của não bị ảnh hưởng, khiến cơ thể luôn mệt mỏi, yếu ớt, da tái nhợt, nhịp tim nhanh hay cáu gắt, đầu óc quay cuồng khó tập trung, kém chú ý, dễ bị kích thích. Kết quả học tập cũng sẽ thấp hơn hẳn với trẻ không bị thiếu máu. Đối với phụ nữ mang thai, thiếu sắt tăng nguy cơ sảy thai, dễ đẻ non, đẻ con nhỏ yếu, dễ bị băng huyết khi sinh, thậm chí có thể dẫn tới tử vong mẹ và con.
Thiếu máu sẽ dẫn đến thiếu oxy, như vậy tim phải tăng co bóp để đáp ứng nhu cầu thiếu oxy và thiếu máu. Nếu tình trạng này kéo dài cơ tim sẽ bị ảnh hưởng, dễ dẫn đến suy tim. |
Tùy theo mức độ và thể trạng của từng người mà biểu hiện của thiếu máu do thiếu sắt khác nhau. Các biểu hiện thường diễn biến qua các mức độ: ở mức độ nhẹ, người bệnh chỉ mới bị thiếu sắt dự trữ, chưa bị thiếu máu, giai đoạn này không có biểu hiện gì cả, không phát hiện được trên lâm sàng, chỉ có thể phát hiện được khi xét nghiệm dự trữ sắt huyết thanh. Ở mức độ trung bình, thiếu sắt diễn ra trong thời gian dài, ở giai đoạn này bắt đầu bị thiếu máu, biểu hiện bằng các triệu chứng, như: da xanh xao, niêm mạc nhợt, lưỡi nhợt, tóc khô, dễ gãy, thiếu tập trung, giảm sức chịu đựng, dễ cáu gắt… Ở mức độ nặng, giai đoạn này thiếu máu kéo dài, chuyển sang nặng với các biểu hiện, như: hoa mắt, đau đầu, chóng mặt, hồi hộp, đánh trống ngực, khó thở, thở nhanh, giảm khả năng hoạt động cả về thể lực và trí não, hoạt động gắng sức có thể bị ngất xỉu.
Các bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa khuyến cáo, để phòng thiếu máu do thiếu sắt, mọi người cần đa dạng hóa bữa ăn, kết hợp các loại thực phẩm khác nhau làm cho bữa ăn cân đối hơn về giá trị và vi chất dinh dưỡng, giàu sắt, như: thịt màu đỏ (thịt bò, thịt trâu…), hải sản, thịt gia cầm, trứng, bột bánh mì, đậu, lạc, bí đỏ, các loại rau xanh đậm (rau ngót, rau dền, rau muống…). Tăng hấp thu sắt bằng ăn uống các loại quả giàu vitamin C, như: cam, chanh, dứa, nho, ổi, đu đủ… khi ăn thức ăn nhiều sắt. Không nên uống trà, cà phê ngay sau ăn. Khi mang thai, cần bổ sung sắt trong suốt thai kỳ. Nên nuôi trẻ bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Các bệnh nhiễm ký sinh trùng, sốt rét, nhiễm trùng cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh lý thiếu máu do thiếu sắt, trong đó có nhiễm ký sinh trùng đường ruột gây tác hại lớn nhất cho cơ thể. Do đó, việc phòng các bệnh trên là rất cần thiết.
Mỹ Hạnh
Các tin khác
- Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 16-19/2
- Tổ chức huấn luyện sơ cấp cứu cho tình nguyện viên cấp I tại thành phố Buôn Ma Thuột
- Đừng chủ quan với bệnh Viêm não Nhật Bản
- Thống kê tình hình dịch bệnh COVID-19
- Tại sao có người không bị lây nhiễm nCoV dù tiếp xúc bệnh nhân?
- Mẹ nhiễm HIV vẫn có thể sinh con khỏe mạnh
- Sẽ tăng cường cán bộ y tế cơ sở hỗ trợ cho Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên trong trường hợp bệnh nhân sốt xuất huyết tăng mạnh
- Ngày 24 và 25-8, khám sàng lọc bệnh tim bẩm sinh cho trẻ em