Mẹ nhiễm HIV vẫn có thể sinh con khỏe mạnh
Cập nhật lúc: 09:06 04/11/2019
Để người mẹ nhiễm HIV có thể mang thai và sinh con khỏe mạnh, thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa, trong đó chú trọng công tác điều trị bằng ARV (thuốc kháng virus HIV) cho mẹ và dự phòng cho trẻ. Điều này đã giúp trẻ được sinh ra từ những người mẹ bị nhiễm HIV đều khỏe mạnh, không bị lây nhiễm HIV từ mẹ, góp phần mang lại niềm vui, hạnh phúc cho gia đình và toàn xã hội.
Như trường hợp chị N.T.A (trú huyện Krông Pắc) bị lây nhiễm HIV từ chồng khi vợ chồng chị mới cưới và chưa có con. Những tưởng phải từ bỏ mong muốn có con vì sợ sinh ra con bị nhiễm HIV nhưng niềm vui đã đến với gia đình chị A. khi được các bác sĩ tư vấn và điều trị chị đã có thể mang thai và sinh con ra khỏe mạnh.
Chị A. xúc động: “Đó thực sự là một phép màu đối với gia đình chúng tôi”. Tương tự, chị N.T.T. (trú huyện Krông Bông) cũng lây nhiễm HIV từ chồng cách đây 7 năm. Lúc mới phát hiện, chị bị sốc nặng, cứ nghĩ chắc mình sắp chết vì "căn bệnh thế kỷ" bởi trước giờ toàn nghe nói bệnh này không thể cứu chữa. Việc có con và sinh con khỏe mạnh là điều chị không bao giờ dám mơ tới. Tuy nhiên, khi đi khám và được các bác sĩ động viên tinh thần, tư vấn và sử dụng thuốc ARV rồi mang thai, sinh con khỏe mạnh không lây nhiễm HIV từ mẹ, chị T. vô cùng hạnh phúc.
Theo thống kê của Khoa Phòng, chống HIV/AIDS (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh), tính đến năm 2019 toàn tỉnh Đắk Lắk có 2.364 ca nhiễm HIV, trong đó có 1.259 ca chuyển sang giai đoạn AIDS và 462 ca tử vong do AIDS. Trong số những bệnh nhân nhiễm HIV, có không ít bệnh nhân nữ mang thai và sinh con.
Khi mang thai, sản phụ nên tới các cơ sở y tế để lấy máu xét nghiệm tầm soát HIV. Ảnh minh họa: Q. Nhật
Tuy nhiên, nhờ được can thiệp, uống thuốc ARV đều đặn và đầy đủ nên trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV đều khỏe mạnh. Chỉ tính riêng trong năm 2019, toàn tỉnh có 8 sản phụ mắc HIV mang thai và sinh con; trong đó có 3 sản phụ uống thuốc ARV trước khi mang thai, 4 sản phụ uống thuốc ARV sau khi mang thai và 1 sản phụ chuyển dạ, sinh con mới phát hiện mắc HIV nhưng được uống thuốc dự phòng ARV khi sinh. Điều đáng mừng là khi chào đời, cả 8 trẻ đều xét nghiệm âm tính với virus HIV.
Thạc sĩ, bác sĩ Chu Đức Thảo, Khoa Phòng, chống HIV/AIDS (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết, người mẹ nhiễm HIV có thể truyền bệnh cho con qua ba giai đoạn là: Khi người mẹ mang thai, HIV từ mẹ truyền qua nhau thai vào cơ thể thai nhi từ rất sớm, có thể ngay từ tuần thứ 8 của thai kỳ; khi người mẹ sinh con, HIV lây từ dịch và máu của mẹ nhiễm HIV vào cơ thể trẻ; khi cho con bú, HIV có thể lây qua sữa mẹ hoặc các vết nứt, trầy xước ở núm vú mẹ sang cơ thể trẻ.
“Việc bệnh nhân nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV và có thể sinh con khỏe mạnh như là một phép màu. Điều này giúp cho các cặp vợ chồng trẻ nhiễm HIV tin tưởng hơn vào cuộc sống, giúp giảm tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng và giúp người nhiễm HIV vẫn có thể trở thành những người cha, người mẹ sinh ra con khỏe mạnh, không lây nhiễm bệnh” - bác sĩ Chu Đức Thảo. |
Tuy nhiên, phụ nữ mắc bệnh HIV nếu được phát hiện sớm, sử dụng thuốc kháng virus ARV cho bà mẹ và trẻ sơ sinh thì có thể giảm tỷ lệ lây nhiễm cho trẻ từ 25% xuống chỉ còn 2%, thậm chí thấp hơn. Ngay cả khi chỉ uống thuốc dự phòng ARV trong chuyển dạ và 24 - 48 giờ đầu sau sinh cũng có khả năng giảm đáng kể tỷ lệ nhiễm cho trẻ, tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con chưa đến 10%.
“Chính vì những lý do này, việc giữ lại đứa trẻ khi bà mẹ phát hiện mình nhiễm HIV là hoàn toàn có thể. Vấn đề là sản phụ phải thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp dự phòng giảm thiểu rủi ro cho trẻ trong suốt thai kỳ để đứa bé chào đời khỏe mạnh”, bác sĩ Thảo nhấn mạnh.
Tốt nhất, để có một thai kỳ khỏe mạnh và con sinh ra không bị lây nhiễm HIV, nên tầm soát HIV ở phụ nữ mang thai, tất cả thai phụ nên đến các cơ sở y tế để được khám và tư vấn xét nghiệm HIV càng sớm càng tốt (tốt nhất là trong 3 tháng đầu). Nếu phát hiện bệnh và được uống thuốc theo phác đồ điều trị sớm, bệnh nhân có thể đảm bảo hiệu quả tối ưu trong việc giảm tỷ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con.
Với người mẹ bị nhiễm HIV nếu điều trị ARV sớm và tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ, lượng virus HIV trong cơ thể người mẹ sẽ giảm, nguy cơ truyền virus sang con cũng giảm xuống. Khi sử dụng thuốc ARV, thai nhi sẽ không hề bị ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển mà ngược lại, thuốc sẽ hỗ trợ giúp thai nhi phòng bệnh. Ngoài ra, việc sử dụng thuốc kháng HIV cũng giúp điều trị và bảo vệ sức khỏe cho bà mẹ.
Một điều cần lưu ý đối với những người mẹ mắc HIV khi mang thai và sinh con là không nên cho con bú bằng sữa mẹ. Mặc dù trên thực tế, sữa mẹ vẫn là nguồn thức ăn tốt nhất cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ sơ sinh, có chứa nguồn dưỡng chất quý giá nhưng nếu cho trẻ sơ sinh bú sữa mẹ bị nhiễm HIV thì khả năng lây nhiễm là rất cao, chiếm khoảng 30%. Chính vì thế, để đảm bảo an toàn và giúp hạn chế khả năng lây nhiễm HIV ở trẻ sơ sinh thì nên sử dụng nguồn sữa thay thế.
Phương Nhiên
Các tin khác
- Tập huấn và truyền thông cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em vùng biên giới bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19
- Không chủ quan khi trẻ mắc sốt xuất huyết
- Gia tăng số mắc sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo và nặng
- Hội Chữ thập đỏ huyện Cư Kuin trao tặng máy đo huyết áp cho người cao tuổi
- Tiếp nhận nguồn ủng hộ công tác phòng chống dịch Covid-19 từ ông Nguyễn Thanh Tâm
- Công ty TNHH Taisho Việt Nam hỗ trợ cán bộ y tế tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch covid-19
- Hội Chữ thập đỏ các cấp tích cực hỗ trợ người dân vùng tâm dịch
- Trao tặng hơn 3000 khẩu trang cho các em học sinh trường THCS Lế Văn Tám, huyện Krông Pắc