Không chủ quan khi trẻ mắc sốt xuất huyết

Cập nhật lúc: 15:00 15/08/2022

 

Do đó, các phụ huynh không nên chủ quan mà cần chú ý theo dõi chặt chẽ khi trẻ mắc SXH để kịp thời phát hiện các dấu hiệu chuyển nặng và đưa trẻ nhập viện cấp cứu, điều trị kịp thời, tránh để xảy ra các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

Chăm sóc con đang nằm điều trị vì mắc SXH tại khoa Hồi sức cấp cứu Nhi – Nhi sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, ông Hoàng Chưa Tính (trú thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana) chưa hết bàng hoàng khi con mình là Hoàng Thành Trí Nhân (SN 2008) vừa trải qua những ngày nguy kịch. Ông Tính cho biết, khi ở nhà cháu có biểu hiện uể oải, mệt mỏi, sốt cao. Gia đình cứ nghĩ cháu bị sốt bình thường nên ra cửa hàng thuốc tây mua thuốc hạ sốt, bù nước cho cháu uống. Sau khi uống thuốc thấy tình trạng cháu không đỡ, gia đình đưa cháu vào bệnh viện huyện để khám. Tại đây, kết quả xét nghiệm cháu bị SXH. Sau đó, cháu chuyển nặng rất nhanh, đau đầu dữ dội, chóng mặt, buồn nôn, bụng đau co thắt, huyết áp lúc tăng lúc giảm, tiểu cầu giảm mạnh. Thấy tình trạng cháu không ổn, bệnh viện huyện đã chuyển tuyến cho cháu lên tuyến trên. Khi tới Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, các bác sĩ chẩn đoán cháu bị sốc SXH, đưa ngay cháu vào phòng cấp cứu, truyền huyết tương và tiến hành cấp cứu điều trị.

Một trẻ mắc sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Ảnh: Kim Oanh

Cũng chăm sóc con nhập viện vì mắc SXH nặng, anh Trần Văn Sơn (trú xã Ea Phê, huyện Krông Pắc) chia sẻ: Con tôi năm nay mới 9 tuổi. Trước giờ tôi thấy có nhiều người mắc SXH nhưng không nguy hiểm gì nên gia đình cũng chủ quan, khi cháu mắc thì để ở nhà tự lấy thuốc uống 3 ngày nhưng cháu vẫn không đỡ. Sau đó, gia đình đưa cháu vào bệnh viện huyện, kết quả xét nghiệm máu, siêu âm cho thấy cháu mắc SXH nhưng vẫn ổn. Tuy nhiên, qua ngày thứ 2 nhập viện, cháu đột ngột trở nặng, sốc SXH, tiểu cầu giảm, cháu được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Lúc chuyển lên bệnh viện tuyến trên, các bác sĩ thông báo nếu trễ thêm lúc nữa cháu sẽ nguy hiển đến tính mạng. Rất may được các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên tận tình cứu chữa, đến nay sau 7 ngày điều trị con tôi đã qua cơn nguy kịch, sức khỏe đã tiến triển.

Theo thống kê của khoa Hồi sức cấp cứu Nhi – Nhi sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, tính từ đầu năm đến nay khoa đã tiếp nhận và điều trị cho gần 40 bệnh nhi mắc SXH nặng. Hầu hết các trường hợp nhập viện trong tình trạng sốc SXH. Bác sĩ H’El Êban, Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Nhi – Nhi sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết: Năm nay các bệnh nhi nhập viện điều trị SXH tại khoa đều ở tình trạng rất nặng, trong đó lứa tuổi trẻ nhập viện từ 8 – 15 tuổi là phần đông và nhiều trường hợp sốc SXH, tái sốc lần 1, lần 2, có những ca phải thở máy vì rất nặng. Trong đó, cần lưu ý ở lứa tuổi này, trẻ bị thừa cân, béo phì nhiều. Khi trẻ thừa cân, béo phì mắc SXH sẽ nặng hơn các trường hợp khác, quá trình điều trị cũng khó khăn hơn.

Khi trẻ mắc SXH, phụ huynh cần theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu của trẻ. Nếu trẻ sốt cao trên 2 ngày kèm với các dấu hiệu như quấy khóc, bứt rứt, đau bụng, chảy máu cam, máu chân răng, ói ra máu, tay chân lạnh, bỏ ăn... gia đình cần đưa trẻ tới cơ sở y tế kịp thời để được chẩn đoán và điều trị. “Đặc biệt, khi trẻ mắc SXH không nên tự ý truyền dịch tại nhà mà nên đưa trẻ đến các trung tâm y tế để kịp thời phát hiện các dấu hiệu sốc SXH nhằm can thiệp kịp thời. Bên cạnh các trẻ thừa cân, béo phì, đối với các trẻ mắc các bệnh lý nền khác, phụ huynh cần hết sức lưu ý theo dõi trẻ vì đây là các trẻ dễ chuyển nặng khi mắc SXH”, bác sĩ H’El Êban khuyến cáo.

Phương Nhiên