Không chủ quan với stress
Cập nhật lúc: 09:13 02/07/2020
Cuộc sống hiện đại với nhiều áp lực và căng thẳng dễ làm cho con người cảm thấy mệt mỏi. Các dấu hiệu như: thường xuyên buồn bã, chán nản, mất ngủ, suy giảm trí nhớ, mất hứng thú trong công việc, trong quan hệ với gia đình và cuộc sống... là một trong những biểu hiện của stress.
Stress không phải là bệnh nhưng nếu để tình trạng này kéo dài, người bị stress có thể sẽ mắc các bệnh liên quan đến tâm thần.
Từ một gia đình buôn bán khá giả, đang ăn nên làm ra thì bỗng một ngày gia đình anh H.T.Đ (46 tuổi, ở xã Ea M’nang, huyện Cư M’gar) lâm vào cảnh “trắng tay” do bị người thân lừa lấy toàn bộ tài sản. Là trụ cột chính của gia đình có 5 người con, anh Đ. phải đứng ra gánh vác cuộc sống, bao thứ phải lo toan khiến đầu óc anh luôn căng thẳng, mệt mỏi, thường xuyên cáu gắt, quát nạt con cái khiến chúng không dám lại gần bố. Chỉ trong thời gian ngắn, anh Đ. bị giảm đến 10 kg, cơ thể gầy sọp hẳn. Lo lắng cho tình trạng sức khỏe của chồng, chị L.T.N (vợ anh Đ.) đưa chồng đi khám tại Bệnh viện Tâm thần Đắk Lắk thì các bác sĩ chẩn đoán anh Đ. bị suy nhược thần kinh, rối loạn lo âu, trầm cảm. Chị L.T.N chia sẻ: “Sau khi điều trị tại bệnh viện và tuân thủ phương pháp điều trị của bác sĩ, sức khỏe chồng tôi đã cải thiện nhiều, ngủ được và không còn cáu gắt, căng thẳng như trước”.
Bệnh nhân bị stress được điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Đắk Lắk. Ảnh: Quang Nhật |
Chị N.T.Y (30 tuổi, ở xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana) vốn là người hoàn toàn khỏe mạnh. Thế nhưng từ ngày lập gia đình và sinh con chị Y. thường xuyên rơi vào trạng thái mệt mỏi, căng thẳng, mất ngủ triền miên. Nguyên nhân được chị Y. chia sẻ là do chồng suốt ngày nhậu nhẹt, không quan tâm vun vén hạnh phúc gia đình khiến vợ chồng thường xuyên cãi vã, mâu thuẫn ngày càng tăng. Do không tìm được cách giải quyết, lại suy nghĩ thường xuyên nên chị Y. bị căng thẳng thần kinh, đau đầu, đôi khi cảm thấy hồi hộp, vã mồ hôi, tức ngực, khó tập trung và trí nhớ bị suy giảm. Nhận thấy sức khỏe chị Y. không ổn nên gia đình đã đưa chị vào khám tại Bệnh viện Tâm thần Đắk Lắk. Chị Y. được chẩn đoán mắc rối loạn lo âu (một dạng rối loạn tâm thần khi bị stress kéo dài).
Theo thống kê của Bộ Y tế, tại Việt Nam có khoảng 15% dân số mắc các rối loạn tâm thần phổ biến liên quan tới stress. Trong thực tế, con số này còn lớn hơn và ngày càng gia tăng. Hiện nay, trung bình mỗi tháng Bệnh viện Tâm thần Đắk Lắk tiếp nhận khoảng 80 trường hợp đến khám các vấn đề về rối loạn tâm lý, tâm thần, rối loạn lo âu, hoảng sợ, trầm cảm… Tất cả triệu chứng này đều liên quan đến stress.
Bác sĩ Nguyễn Thị Lệ Chung, khoa Động kinh, nghiện chất, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng (Bệnh viện Tâm thần tỉnh) cho biết, stress không phải là một bệnh mà chỉ là một yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe. Bản thân stress là một sự bức bách, bó buộc, sự tấn công của môi trường sống khiến con người phải đáp ứng để thích nghi. Stress thường trải qua ba giai đoạn: đầu tiên là bị sốc, sau đó bản thân người bị stress sẽ tự kháng cự lại, nếu kháng cự được, vượt qua giai đoạn sốc thì người bị stress sẽ có cuộc sống mạnh mẽ hơn, sống tốt hơn. Ngược lại khi không kháng cự lại được, để stress kéo dài, lâu ngày sẽ bị mắc các bệnh, như: rối loạn hành vi, rối loạn cảm xúc, rối loạn tri giác, loạn thần, lo âu, trầm cảm, tâm thần… Khi mắc những bệnh này, người bệnh không còn hứng thú trong công việc, mất hết ham muốn, thích thú trong cuộc sống… Đây là tình trạng khá phổ biến và ảnh hưởng tới mọi người, bất kể độ tuổi, giới tính, chủng tộc. Đặc biệt những trường hợp như: phụ nữ mới sinh con, người lao động trí óc, trẻ em, học sinh (do áp lực học tập) và người già dễ có nguy cơ cao bị stress.
Mỗi người cần tự giải tỏa stress càng sớm càng tốt bằng cách điều chỉnh lối sống, cân bằng hài hòa giữa lao động và nghỉ ngơi, thư giãn. Kết hợp chế độ ăn uống, dinh dưỡng hợp lý, tránh sử dụng các chất kích thích, như: cà phê, thuốc lá, bia rượu; tập thể dục để giữ cơ thể khỏe mạnh. |
Có rất nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng stress, nhưng thường gặp nhất là do những căng thẳng từ xã hội và gia đình, thay đổi cuộc sống, chẳng hạn như: làm ăn thua lỗ, nợ nần, áp lực công việc (làm việc nặng nhọc, vất vả, thay đổi công việc hoặc mất việc), mâu thuẫn trong gia đình, bạn bè, thất bại trong tình yêu, ly hôn, mất người thân, áp lực học tập, thất bại trong thi cử… Ngoài ra, stress cũng có thể xuất phát từ nguyên nhân về thể chất, như: cơ thể thay đổi (tuổi dậy thì, tiền mãn kinh, tuổi già bệnh tật), ốm đau, ăn uống không đủ chất dinh dưỡng, sử dụng quá nhiều cà phê, rượu, thiếu ngủ liên tục, bị thiên tai, thảm họa… Thậm chí những người tự tạo áp lực trong cuộc sống, ví dụ như có những kỳ vọng không thực tế hoặc tiêu cực với bản thân cũng rất dễ bị stress.
Do không phải bệnh cấp tính, các triệu chứng không đau đớn nên đa phần người bệnh ít được chẩn đoán và phát hiện stress sớm. Tuy nhiên, stress nếu được phát hiện và điều trị sớm sẽ khỏi hoàn toàn, bệnh nhân cũng không cần phải nhập viện điều trị mà chỉ cần tuân thủ đúng phác đồ điều trị của các bác sĩ.
Để tránh rơi vào tình trạng stress, mỗi người nên học cách chấp nhận những hoàn cảnh bất lợi đến với mình và tìm cách cải thiện nó; suy nghĩ lạc quan, tích cực. Đặc biệt, phải thực hiện liệu pháp thư giãn, có tác dụng làm giảm nhịp tim, nhịp thở để đối kháng lại phản ứng stress, như: đọc sách, xem phim, nghe nhạc, đi du lịch…
Mỹ Hạnh
Các tin khác
- Hôi Chữ thập đỏ tỉnh trao tặng sữa, bột dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khuyết tật tại huyện Lắk
- Tặng 189 phương tiện cho người khuyết tật tỉnh Đắk Lắk
- Tập huấn và truyền thông cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em vùng biên giới bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19
- Không chủ quan khi trẻ mắc sốt xuất huyết
- Gia tăng số mắc sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo và nặng
- Khám bệnh miễn phí cho 300 người dân khó khăn tại xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn
- Tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hộ nghèo tại huyện Krông Bông và thị xã Buôn Hồ
- Hội Chữ thập đỏ huyện Cư Kuin trao tặng máy đo huyết áp cho người cao tuổi