Truyền thông phòng chống dịch bệnh Covid-19: Chung tay đẩy lùi “Virút tin giả”
Cập nhật lúc: 14:56 30/03/2020
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, công tác truyền thông đang được các ngành, địa phương xem là nhiệm vụ ưu tiên ở tuyến đầu chống dịch. Phương châm của toàn ngành Y tế hướng đến mỗi cán bộ y tế vừa tham gia chống dịch vừa là tuyên truyền viên góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng trong kiểm soát dịch bệnh cũng như đẩy lùi vi rút “Tin giả”.
Truyền thông hướng về cơ sở
Tại cuộc họp báo thông tin về tình hình diễn biến phòng chống Covid -19 mới đây, Bác sĩ Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế cho biết, trước diễn biến phức tạp dịch bệnh Covid-19, vẫn còn xuất hiện những thông tin trái chiều gây hoang mang dư luận. Mạng xã hội là mảnh đất màu mỡ cho các tin giả, các thông tin không được kiểm chứng xuất hiện. Rất nhiều khoảng trống trong truyền thông, đặc biệt người dân ở vùng sâu vùng xa cần được tiếp cận thông tin. Do đó, ngành Y tế đã yêu cầu tuyến y tế cơ sở thực hiện phương án diễn tập trong phòng, chống Covid-19 ưu tiên làm tốt truyền thông tại địa bàn. Trong đó, ngành Y tế đã tổ chức tập huấn cho đội ngũ trong ngành và cả chức sắc tôn giáo, già làng để tham gia tuyên truyền tại chỗ.
Diễn tập chuyển bệnh nhân vào khu cách ly do Sở Y tế tổ chức tại Trung tâm Y tế huyện Krông Pắc ngày 11-2-2020.(ảnh : Xuân Chiến)
Hiện nay phương châm nhất quán của ngành, mỗi cán bộ y tế là tuyên truyền viên ở tuyến đầu chống dịch. Sở Y tế đã yêu cầu cơ sở y tế cơ sở xây dựng phương án diễn tập ưu tiên diễn tập ở vùng sâu, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Sở cũng khuyến nghị các địa phương chủ động kết hợp truyền thông bằng nhiều hình thức, kết hợp treo băng rôn để người dân dễ tiếp nhận thông tin dịch bệnh, phát khẩu trang và nước sát khuẩn, hướng dẫn biện pháp phòng bệnh, dùng phần mềm khai báo y tế. Thời gian tới, Sở sẽ tổ chức diễn tập ở buôn đồng bào dân tộc thiểu số để kết hợp truyền thông. Tuy nhiên để diễn tập thành công toàn ngành cần có sự tham gia của chức sắc, già làng để vận động bà con thay đổi hành vi, quyết tâm tham gia chống dịch.
Chiến sĩ Đồn Biên phòng Sêrêpốk hướng dẫn học sinh Trường Tiểu học Y Jút đeo khẩu trang phòng dịch (ảnh : Xuân Chiến)
Dưới góc nhìn từ chuyên môn, Bác sĩ Nguyễn Hữu Huyên – Trưởng Phòng Nghiệp vụ Sở Y tế nhận định, trong cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19, truyền thông vẫn còn dư địa cho cho vi rút “tin giả” phát triển. Vì vậy, trong quá trình tác nghiệp cơ quan báo chí cần tuân thủ quy trình thông tin sau 3 bước của ngành Y tế gồm: khám, sàng lọc, đợi kết quả xét nghiệm sau 24h. Do đó, việc chờ đợi kết quả xét nghiệm các trường hợp nghi nhiễm Covid-19 phải đúng quy định và công bố chính xác mà không vì chạy theo tính “thời sự” của báo chí. Ngoài ra, số liệu cập nhật diễn biến tình hình dịch bệnh cũng được Bộ Y tế thống nhất cung cấp bằng kênh chính thức phát đi từ ngành. Do đó, việc cập nhật số liệu ca nhiễm, cách ly vẫn có “độ trễ” với thông tin của cơ quan báo chí đưa ra.
Như vậy, để truyền thông về dịch bệnh mang lại hiệu quả cao nhất, giữa cơ quan chức năng y tế và báo chí phải tích cực kết nối đúng quy trình. Toàn ngành sẽ ứng dụng công nghệ số chủ động cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, đảm bảo việc phòng chống dịch bệnh nhanh chóng, thống nhất từ tỉnh đến cơ sở. Điều mong muốn nhất là giữa báo chí và ngành Y tế không đi lệch nhịp. Hiện tại, công tác truyền thông dịch Covid-19 tại tỉnh, chúng ta đã bắt đầu đi được một nhịp với nhau, đây là điều tuyệt vời để ngăn chặn dịch bệnh không lan rộng ra” ông Huyên bày tỏ.
Áp dụng “Truyền thông nguy cơ”
Tại cuộc họp trực tuyến Bô Y tế tháng 3/2020, ông Vũ Mạnh Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông - thi đua và khen thưởng (Bộ Y tế) cho hay, thời gian qua, công tác truyền thông của Bộ Y tế đã thực hiện rất nhiều cách chủ động khác nhau ở tất cả các cấp độ. Đặc biệt, trong đợt dịch lần này, Bộ Y tế đã áp dụng các nguyên tắc về truyền thông nguy cơ do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra.
Cụ thể, truyền thông nguy cơ sẽ cung cấp các thông tin, khuyến nghị, ý kiến của chuyên gia. Mục đích giúp người đang đối mặt với nguy cơ đưa ra được quyết định đúng để bảo vệ mình và người thân. Các quyết định này phải dựa trên những thông tin đúng đắn. Và truyền thông phải cùng sánh nhịp với ngành y tế, nếu đi lệch nhịp thì không còn là truyền thông nguy cơ nữa.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đoàn Xuân Tuyến động viên các y, bác sĩ đang làm nhiệm vụ tại khu cách ly 333 Hà Huy Tập, TP.Buôn Ma Thuột
Ông Vũ Mạnh Cường cho rằng, trong đợt dịch lần này, các cơ quan truyền thông báo chí đã thực hiện tốt và phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế để bước đầu tuyên truyền đến công chúng hiệu quả. Cùng với đó, ngành Y tế lưu ý đến mọi người về vấn đề khai thác thông tin và sử dụng các nguồn từ nước ngoài cần phải tỉnh táo, tránh những thông tin thiếu chính xác, hàm lượng khoa học thấp gây hoang mang trong dư luận. Để công tác phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả, truyền thông khi đưa tin, bài nên nắm rõ thông tin về dịch Covid-19 và biết sàng lọc thông tin, đồng thời khi đưa tin, bài phải tiến hành khảo sát thông tin một cách chính xác.
Đoàn cơ sở Viện vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên phát khẩu trang, xà phòng, tuyên truyền cho người dân phòng chống Covid-19
Kết quả khảo sát công bố tháng 2/2020 từ Nielsen “Về chủ đề COVID-19 đang ảnh hưởng thế nào đến người Việt Nam” cho thấy, ngườiViệt Nam đang có nhận thức rất cao về nguồn gốc và triệu chứng của COVID-19. Về mặt truyền thông, người Việt Nam cũng đã thay đổi thói quen cập nhật truyền thông mỗi ngày do COVID-19. 40% người Việt Nam nói rằng họ đã dành nhiều thời gian hơn để xem ti vi và 35% sử dụng thời gian để xem các nội dung trực tuyến.
Thiết nghĩ, trong cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19, truyền thông đóng vai trò then chốt phải “đi trước về sau”, có sự chung tay của cả hệ thống chính trị. Mỗi người sẽ là chiến sĩ trên mặt trận tuyên truyền chống dịch giúp cộng đồng, công chúng nâng cao ý thức, trách nhiệm công dân thực hiện biện pháp phòng bệnh an toàn.
Hiện nay, ngành Y tế đã tham mưu thành lập Tổ truyền thông, thông tin chính thống về dịch bệnh Covid -19 để thông tin nhanh nhất đến với báo chí. Đồng thời Sở Y tế chủ động thiết lập hệ thống tin nhắn báo cho từng thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 cập nhật hằng ngày trên điện thoại vào lúc 7h15 sáng, 10h sáng trên website của Sở. Ngoài ra, Sở Y tế và Sở TT&TT cũng tích cực phối hợp xử lý các trường hợp đăng tải thông tin sai sự thật, tiếp tục tham mưu chế tài mạnh hơn đối với “tin giả” gây hoang mang dư luận, ông Nay Phi La thông tin thêm. |
Kim Bảo
Các tin khác
- Trao tăng 100 phần quà cho hoàn cảnh khó khăn tại xã Hòa Khánh, thành phố Buôn Ma Thuột
- Tặng quà cháu bé mắc bệnh hiểm nghèo tại xã Ea Tih, huyện Ea Kar
- 1.000 tấm chắn giọt bắn trao tặng các đơn vị y tế tham gia công tác phòng chống dịch Covid-19
- Tích cưc hỗ trợ một số khẩu trang y tế trong phòng chống dich Covid - 19
- Hội nghị trực tuyến nâng cao chất lượng của y tế cơ sở trong công tác phòng, chống dịch Covid-19
- Bàn giao bò giống hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo
- Tặng 300 suất quà cho người nghèo tại xã Ea Yiêng, huyện Krông Pắc
- Học sinh trên địa bàn tỉnh nghỉ học từ ngày 04/02/2020