Hội Chữ thập đỏ Việt Nam: Tạo sinh kế để người dân thoát nghèo bền vững

Cập nhật lúc: 08:37 03/07/2020

 

Kiện toàn Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là tổ chức Hội duy nhất được Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định và giao nhiệm vụ. Những năm qua, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã thực hiện nhiều chương trình nhân đạo hướng tới người nghèo: Khám bệnh, cấp thuốc miễn phí; Trao quà Tết vì người nghèo, nạn nhân chất độc da cam; Trao Nhà Chữ thập đỏ; Rừng ngập mặn, Ngân hàng bò… Hướng đến người nghèo, giúp đỡ người nghèo với tất cả lòng nhân ái, Hội đã kết nối người nghèo với các doanh nghiệp, hỗ trợ những lúc họ gặp khó khăn nhất, trao cơ hội vươn lên hòa nhập cộng đồng, động viên khuyến khích người dân thoát nghèo bền vững. 

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Nguyễn Thị Xuân Thu trao Nhà Chữ thập đỏ tại huyện Vị Xuyên, Hà Giang

 

Tháng Nhân đạo

Tháng Nhân đạo trở thành khái niệm thân thương được cộng đồng biết đến với ý nghĩa là tháng cao điểm hoạt động hướng tới người nghèo của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Khởi điểm phát động năm 2018, Tháng Nhân đạo được hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ hưởng ứng nhiệt tình. Năm 2020: 734 Nhà Chữ thập đỏ được trao tặng, 110.000 suất quà hỗ trợ người nghèo, người gặp thiên tai được trao gửi với tinh thần “Lá lành đùm lá rách”. Lời kêu gọi trong hệ thống Hội về vận động các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ người dân ở các vùng chịu ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh COVID-19 đã trở thành hiện thực. Các cấp Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động với tinh thần chủ động, linh hoạt, phù hợp với tình hình của thiên tai, dịch bệnh có nhiều cách làm hay, sáng tạo với phương châm “Vì sức khỏe cộng đồng”. Gần 100 tỷ đồng được huy động trong Tháng Nhân đạo, đã có 444 Công trình Nhân đạo (đường giao thông, cầu dân sinh, điểm trường, Nhà Chữ thập đỏ... trị giá 84 tỷ đồng) được triển khai. Trung ương Hội đã triển khai mô hình “Chợ Nhân đạo” trong toàn quốc. Trung ương Hội hỗ trợ 48 tỉnh, thành Hội nguồn lực ban đầu 2,4 tỷ đồng, Hội Chữ thập đỏ địa phương vận động chỉ tiêu ít nhất đạt 10 tỷ đồng/tỉnh Hội. Trung ương Hội trao hỗ trợ 5 tỉnh, thành Hội đại diện, gồm: Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên, Phú Thọ, Hải Dương, mỗi địa phương 50 triệu đồng để triển khai mô hình “Chợ Nhân đạo”trợ giúp những người gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19.

Đây là năm thứ 3 Hội Chữ thập đỏ Việt Nam triển khai Tháng Nhân đạo trên địa bàn toàn quốc. Năm 2019, Hội Chữ thập đỏ tổ chức Tháng Nhân đạo với chủ đề“Kết nối, sẻ chia và lan tỏa” các cấp Hội đã vận động trên 340 tỷ 748 triệu đồng, trợ giúp trên 890.000 ngàn đối tượng. Hai năm (2018 – 2019) cả nước có 1,61 triệu người được trợ giúp trong Tháng Nhân đạo với trị giá 550,3 tỷ đồng.

Tạo sinh kế thoát nghèo bền vững

Rừng ngập mặn là chương trình Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thực hiện đã 26 năm (1994-2020), hiện 10 tỉnh, thành phố đã có hơn 4,27% tổng diện tích rừng ngập mặn đang là kế sinh tồn bền vững thoát nghèo của ngư dân ven biển và chiếm khoảng 25% diện tích rừng tại các tỉnh có triển khai chương trình. Độ che phủ gần 9.000ha, bảo vệ gần 100km đê biển, giảm rủi ro thảm họa tại 392 xã. Dự án từng được đánh giá là “5 nhất” của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Đến nay, Dự án đã đạt những kết quả tích cực, với ba loại cây: Trang, đước và bần trong tổng số 24.000ha rừng ngập mặn. Dự án còn trồng 103ha tre bảo vệ đê sông và 398ha phi lao bảo vệ ven biển, góp phần hỗ trợ xây dựng cộng đồng an toàn, giảm rủi ro thảm họa tại 392 xã thông qua việc nâng cao nhận thức, năng lực về phòng, chống thiên tai cho chính quyền và người dân. 

Dự án “Ngân hàng bò” triển khai năm 2010 với mục tiêu giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn phát triển chăn nuôi bò sinh sản, phục hồi sinh kế bền vững, từng bước vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt, từ năm 2013, được sự quan tâm, chỉ đạo của ông Trương Tấn Sang - nguyên Chủ tịch nước, Chủ tịch danh dự của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã đẩy mạnh, phát triển Dự án với thông điệp: “Ngân hàng bò - Chung sức cùng đồng bào các huyện nghèo, xã biên giới xây dựng nông thôn mới” đã hỗ trợ bò sinh sản cho hộ nghèo 62 huyện nghèo cả nước. Tính riêng 6 năm (2011 - 2017), Dự án được các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và trách nhiệm cao từ các cấp Hội đã trao gần 20.000 con bò cho gần 20.000 hộ nghèo tại 61 tỉnh, thành (trong đó có 62 huyện nghèo, 452 xã biên giới) với tổng kính phí trên 180,8 tỷ đồng. 

Dự án Rừng ngập mặn, Ngân hàng bò thực sự là sinh kế thoát nghèo bền vững cho hàng triệu người nghèo. Bởi dưới tán rừng ngập mặn là nguồn thủy sản được nuôi dưỡng, cung cấp sinh kế cuộc sống tới hàng triệu ngư dân. Bò sinh sản, chủ nhân được nhận bò giống, người nghèo khác lại được kế thừa tài sản từ “nguồn lãi” Ngân hàng bò mang lại. Sinh kế thoát nghèo bền vững ấy còn là động lực để tất cả người dân có khó khăn kinh tế vươn lên, đoàn kết cộng đồng, nương tựa nhau lúc gian lao. Tinh thần tương thân tương ái là giải pháp từng bước góp phần giảm nghèo, tạo điều kiện để người nghèo phát triển kinh tế theo hướng bền vững. 

Nhà Chữ thập đỏ trao yêu thương

 

Hội Chữ thập đỏ Hải Phòng trao bò cho hộ nghèo

Xã Ngọc Minh, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang là xã nghèo được Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chọn là nơi trao 70 Nhà Chữ thập đỏ, 70 công trình nước sạch và 70 con bò sinh sản cho 70 hộ nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Thực sự cảm động khi cả đời vất vả mà sống thiếu thốn, thiếu ngôi nhà ở kiên cố nhiều đồng bào dân tộc thiểu số đã chia sẻ niềm vui với cộng đồng. Có nhà ở, có nước sạch, có bò sinh sản – tài sản lớn của nông dân, người nghèo được thoát nghèo và yên tâm đầu tư sản xuất, tập trung nuôi dạy con cháu học tập, chắc tay cuốc, tay cày, chung sức bảo vệ biên cương Tổ quốc Hà Giang lại đón niềm vui mới khi nguyên Chủ tịch nước, Chủ tịch Danh dự Hội Chữ thập đỏ Việt Nam vận động các doanh nghiệp đầu tư Nhà Chữ thập đỏ tặng cựu chiến binh tham gia bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc. 356 Nhà Chữ thập đỏ được xây dựng và trao tặng cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn tại 5 huyện: Vị Xuyên, Bắc Quang, Hoàng Su Phì, Xín Mần và thành phố Hà Giang, mỗi căn nhà được hỗ trợ 50 triệu đồng và tỉnh Hà Giang đối ứng 10 triệu đồng. Tính đến năm 2020, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã trao tặng hàng triệu Nhà Chữ thập đỏ, Nhà tránh lũ; Hàng triệu công trình Chữ thập đỏ như: Trường học vùng khó khăn, Điểm trường vùng cao, Nhà văn hóa cộng đồng… trao tặng người dân 61 tỉnh, thành. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, thành viên tích cực trong công tác xóa đói giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 đã và đang dành rất nhiều chương trình giúp đỡ tới người nghèo cả nước. Hiện nay: Nước sạch vệ sinh môi trường; Hỗ trợ nước sinh hoạt cho vùng ngập mặn, hạn hán; Hỗ trợ người dân vùng thiên tai… vẫn tiếp tục thực hiện. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thực sự là người đồng hành với người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo. Mang sức huy động cả cộng đồng tới người nghèo, lan tỏa yêu thương, động viên, khuyến khích người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên, sát cánh cùng đồng bào cả nước xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. 

Thế Phổ