Hội thảo đánh giá sau đáp ứng dịch bạch hầu tại tỉnh Đắk Lắk năm 2019

Cập nhật lúc: 14:44 27/11/2019

Sáng 27/11, Viện vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên tổ chức Hội thảo đánh giá sau đáp ứng dịch bạch hầu tại tỉnh Đắk Lắk năm 2019. Tham dự Hội thảo có đại diện Cuc Y tế dự phòng, Viện Paster Hồ Chí Minh, Trung tâm y tế huyện Cư M’Gar, Trung tâm kiểm soát bệnh tật, Trung tâm y tế huyện Cư M’Gar, chuyên gia y tế WHO, US.CDC (Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ).

Các đại biểu dự Hội thảo

Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe đánh giá về kết quả đáp ứng dịch bạch hầu và bài học kinh nghiệm của Trung tâm Y tế Cư M’gar; thảo luận về mục tiêu đánh giá giữa địa phương, chuyên gia y tế và Viện vệ sinh dịch tể Tây Nguyên.

Lãnh đạo Viện vệ sinh dịch tể Tây Nguyên phát biểu khai mạc Hội thảo

Theo đánh giá tại Hội thảo, sau nhiều năm không phát hiện bệnh bạch hầu, trong năm 2019 tại Tây Nguyên đã có 4 địa phương xuất hiện dịch là Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk và Đắk Nông. Đáng chú ý, tại Đắk Lắk đã có 1 trường hợp tử vong do bạch hầu. Một số nguyên nhân chính xuất hiện dịch bệnh bạch hầu gần đây tại các tỉnh do hệ thống giám sát phát hiện chậm, tiêm chủng còn bỏ sót đối tượng và tỷ lệ người không tiếp cận dịch vụ còn 6%; công tác phòng chống dịch còn chậm, cách ly, xử lý chưa kịp thời. Đây là sự kiện y tế công cộng đáng lo ngại.Vì vậy, mục đích của Hội thảo nhằm rà soát lại hoạt động ứng phó với vụ dịch bạch hầu tại tỉnh Đắk Lắk và đưa ra bài học kinh nghiệm cho hoạt động dự phòng, giám sát, phát hiện và đáp ứng đối với dịch bệnh bạch hầu để phổ biến cho biên liên quan và điều phối nguồn lực và kỹ thuật khi xảy ra dịch bệnh tương tự trong tương lai.

Chuyên gia Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ tham gia ý kiến tại Hội thảo

Trên cơ sở dịch bệnh thực tiễn, chuyên gia y tế nước ngoài mong muốn các địa phương làm tốt hơn nữa công tác phòng, chống dịch bệnh; chủ động tổ chức hoạt động đánh giá ứng phó dịch bệnh thường xuyên hơn. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cần quan tâm đào tạo nâng cao kỹ năng cho tuyến y tế dự phòng, hoạt động can thiệp dịch tễ thực địa, xử lý ổ dịch, báo cáo sau dịch; can thiệp tiêm chủng rà soát và bổ sung vắc xin, đảm bảo tỷ lệ bao phủ đạt yêu cầu. Bạch hầu là một bệnh đường hô hấp do vi khuẩn, lây từ người sang người, có thể phòng ngừa bằng cách tiêm vắc-xin cho trẻ em trong tuổi tiêm chủng và các mũi tiêm bổ sung nhắc lại. Khi một ca bệnh xuất hiện, có thể hạn chế lây truyền bằng việc phát hiện và báo cáo ca bệnh kịp thời, cách ly, điều trị, truy tìm người tiếp xúc, sử dụng kháng sinh dự phòng và tiêm phòng cho nhóm đối tượng nguy cơ.

Trong tháng 8, 9 năm 2019, tại tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận một ổ dịch bạch hầu bùng phát với ít nhất 4 ca bệnh lâm sàng trong đó có một trường hợp tử vong. Tại Đắk Lắk, đây là ổ dịch đầu tiên được ghi nhận kể từ năm 2004 và là vấn đề y tế công cộng cần quan tâm.

Kim Bảo