Kết luận của đồng chí Phạm Ngọc Nghị - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) tỉnh tại Hội nghị trực tuyến
Cập nhật lúc: 09:05 29/01/2021
Ngày 26/01/2021, Văn phòng UBND tỉnh ban hành Thông báo số 10/TB-VPUBND về việc kết luận của đồng chí Phạm Ngọc Nghị - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) tỉnh tại Hội nghị trực tuyến tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011 - 2020, định hướng giai đoạn 2021 – 2030 và sơ kết 03 năm thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 18/4/2017 của Tỉnh ủy; tổng kết nhiệm vụ cải cách hành chính của tỉnh năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021.
Ảnh minh họa – Nguồn daklak.gov.vn
Sau khi nghe lãnh đạo Sở Nội vụ báo cáo tổng kết Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020 và sơ kết 03 năm thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 18/4/2017 của Tỉnh ủy; kết quả thực hiện nhiệm vụ CCHC của tỉnh năm 2020 và Kế hoạch CCHC của tỉnh năm 2021; các tham luận và ý kiến của các đại biểu tham dự Hội nghị, đồng chí Phạm Ngọc Nghị - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo kết luận Công tác CCHC được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo triển khai ngay từ việc xây dựng kế hoạch, chương trình, từ việc định hướng mục tiêu, các nhiệm vụ cụ thể, đến việc triển khai thực hiện và giải quyết khó khăn, vướng mắc trong thực hiện. Tỉnh đã triển khai toàn diện 06 lĩnh vực của Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020 của Chính phủ, tạo ra những chuyển biến tích cực, được khẳng định qua những kết quả nổi bật như: Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC được các cấp, các ngành quan tâm triển khai thực hiện với nhiều hình thức; thể chế kinh tế, hành chính được hoàn thiện một bước cơ bản phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế xã hội ở địa phương; đã chủ động rà soát về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy của UBND, cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) của tỉnh từng bước có chuyển biến tích cực; đẩy mạnh nâng cao tinh thần trách nhiệm và đạo đức công vụ cho đội ngũ CBCCVC; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin góp phần lớn vào việc chuyển đổi nền kinh tế số. Việc áp dụng tiêu chuẩn ISO 9001:2008 được mở rộng ra các xã, phường, thị trấn, đồng thời chuyển đổi sang phiên bản mới ISO 9001:2015 cho phù hợp với thực tiễn… Việc công bố Chỉ số CCHC hàng năm của các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố trở thành công cụ tốt trong quản lý, điều hành CCHC và được triển khai ở cấp huyện.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác CCHC của tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế dẫn đến Chỉ số về CCHC của tỉnh chưa đạt kết quả, mục tiêu mong muốn và đang có xu hướng chậm lại so với các địa phương khác. Việc xây dựng kế hoạch CCHC còn thiếu tầm nhìn dài hạn, chưa có bước đột phá để tạo chuyển biến mạnh mẽ, sâu rộng. Sự quyết liệt, quyết tâm tham mưu công tác CCHC còn chưa cao. Còn nhiều lãnh đạo các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố và Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn chưa quyết liệt, chưa kiên trì thực hiện CCHC. Một số công chức tham mưu công tác CCHC có trình độ, năng lực còn chưa phù hợp, chưa năng động, sáng tạo và chưa ngang tầm nhiệm vụ để tham mưu công tác CCHC đạt kết quả theo yêu cầu; việc sắp xếp tổ chức bộ máy các đơn vị sự nghiệp công lập chưa thật sự hiệu quả; còn mang tính “cơ học”. Cơ cấu lãnh đạo của các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc vẫn chưa hợp lý vẫn còn tồn tại ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương. Việc tuyển dụng, bổ nhiệm, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức có xu hướng nặng về văn bằng, chứng chỉ, chưa chú trọng nhiều đến năng lực thực thi công vụ của cán bộ, công chức. Công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức chưa cụ thể, tiêu chí đánh giá chung chung, áp dụng cho nhiều đối tượng, nhiều nhóm công chức, chưa cụ thể hóa cho từng loại hoạt động công vụ, nhiệm vụ. Trong 10 năm qua, tỉnh chưa có chính sách, chế độ đãi ngộ hợp lý để khuyến khích, động viên tinh thần cho cán bộ công chức, viên chức trực tiếp tham mưu, thực hiện công tác CCHC. Việc hiện đại hoá công sở, ứng dụng công nghệ thông tin chưa đáp ứng yêu cầu thực thi nhiệm vụ của cơ quan hành chính và phục vụ tốt nhất cho nhân dân. Kết quả thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, dịch vụ bưu chính công ích còn thấp. Việc công khai kết quả giải quyết TTHC trên Cổng thông tin điện tử còn chưa đầy đủ; việc kết nối liên thông chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin với các cơ sở dữ liệu quốc gia cũng như việc kết nối liên thông chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành chưa đạt mục tiêu đề ra…
Nội dung chi tiết tại đây
Bích Trâm
Các tin khác
- Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức tuyên truyền đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại Buôn kết nghĩa
- TRIỂN KHAI CUỘC THI TRỰC TUYẾN
- Hỗ trợ người dân vượt khó từ vốn vay ưu đãi
- Huyện M’Drắk: Gần 28.000 hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi
- Đẩy mạnh phong trào không thuốc lá trong đoàn viên, thanh niên
- Từ 1/7 chấm dứt cấp sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy
- Tạm dừng vận chuyển hành khách, người dân qua lại giữa 2 tỉnh Đắk Lắk - Phú Yên trong 15 ngày
- Mở rộng đối tượng khai báo y tế điện tử phục vụ phòng chống dịch COVID-19