Thủ tướng Chính phủ đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp cả nước

Cập nhật lúc: 09:15 11/05/2020

 

Sáng 9/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị với doanh nghiệp “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế” theo hình thức truyền hình trực tuyến và truyền hình trực tiếp. Tham dự tại điểm cầu Đắk Lắk có Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Sở, ngành, doanh nghiệp và đại diện điểm cầu các huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh.

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội (Ảnh: Cổng TTĐT Chính Phủ)

Đây là hội nghị có quy mô lớn chưa từng có, và được đánh giá là Hội nghị Diên Hồng trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Dự kiến khoảng 6.000 người tham dự hội nghị tại các điểm cầu, khoảng 800.000 doanh nghiệp, trên 5 triệu hộ kinh doanh và nhân dân cả nước có thể theo dõi qua truyền hình trực tiếp. Đây là hội nghị lần thứ 4 Thủ tướng đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp, được tổ chức thường niên ngay từ đầu nhiệm kỳ.


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp cả nước (Ảnh : Cổng TTĐTCP)

Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước, truyền đi thông điệp Chính phủ và các cấp chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, biến thách thức thành cơ hội, tái cấu trúc doanh nghiệp, tạo động lực cho phát triển và phục hồi nền kinh tế.  Đây được đánh giá là Hội nghị Diên Hồng trong bối cảnh nền kinh tế như “lò xo nén lại” vì dịch COVID-19 và nay đang chờ bật lên, tái khởi động khi dịch bệnh đã cơ bản được đẩy lùi tại Việt Nam.


Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk

Tại hội nghị, có 2 báo cáo chính được trình bày là, báo cáo về tác động của dịch COVID-19, thách thức và thời cơ, cơ hội phát triển kinh doanh. Hội nghị cũng thông báo nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Nội dung này do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày.

Đông đảo Doanh nghiệp Đắk Lắk tham dự Hội nghị tại UBND tỉnh

Báo cáo thứ hai do Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trình bày, tổng hợp các kiến nghị, sáng kiến của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp; đánh giá hiệu quả, mức độ tiếp nhận, hấp thụ của doanh nghiệp đối với các giải pháp, chính sách hỗ trợ của Chính phủ, đồng thời đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, hội nghị lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia với tinh thần mà theo Thủ tướng, thể hiện quyết tâm vượt khó, có chí tiến thủ, chung sức đưa kinh tế đất nước bật dậy, chứ không “than nghèo, kể khổ”. Ngoài ra, các Bộ, cơ quan: Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Công thương, Công an, Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng có báo cáo tham luận.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Như bao biến cố lớn của lịch sử, loài người rồi sẽ chiến thắng dù có những mất mát. Theo Thủ tướng, các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ tham dự hôm nay là những doanh nghiệp có khả năng thích nghi tốt nhất. Dân tộc ta có sẵn sức đề kháng của tinh thần đoàn kết để vượt qua khó khăn. Nếu mỗi người hy sinh một phần lợi ích nhỏ của mình thì mọi người đều được hưởng lợi. Chúng ta không chủ quan nhưng cũng đừng lo lắng. Hội nghị được tổ chức hội nghị rất khác so với các lần trước, thể hiện tinh thần yêu nước. Mà yêu nước thì phải hành động. Doanh nghiệp Việt Nam cần đóng góp vào phát triển theo hình chữ V, chứ không phải là U hay W.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị 5 mũi giáp công để tái khởi động trong lúc này: Thứ nhất, tăng cường thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế trong nước, nhất là đầu tư tư nhân. Thứ hai, tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Thứ ba, tăng cường xuất khẩu. Thứ tư, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Thứ năm, khuyến khích tăng cường nhu cầu nội địa.

Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, ngành phải xắn tay áo, địa phương phải tháo gỡ cho doanh nghiệp. Cán bộ công chức phải được quản lý để chống lại sự tiêu cực, vô cảm, gây khó dễ cho người dân và doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng cần cùng nhau sẻ chia, đóng góp cho bản thân doanh nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động, tinh thần này phải được lan tỏa, phải có kết quả cụ thể. Hội nghị sẽ không có nói suông, không nói rồi để đó, phải gỡ khó cho doanh nghiệp.

Kim Bảo