Đặc biệt chú ý các mũi tiêm nhắc lại phòng bệnh bạch hầu
Cập nhật lúc: 09:52 13/07/2020
Vắc xin phòng bệnh bạch hầu đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam từ hơn 30 năm nay.
Mọi trẻ em được tiêm phòng bệnh bạch hầu trong thành phần vắc xin phối hợp (DPT-VGB-HiB hoặc DaPT-VGB-HiB-IPV) gồm 3 mũi cơ bản cách nhau ít nhất 1 tháng, bắt đầu từ lúc trẻ được 2 tháng tuổi và tiêm nhắc mũi thứ 4 lúc trẻ 18 tháng tuổi. Tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu là biện pháp phòng bệnh hiệu quả vì có thể làm giảm đáng kể tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay vẫn còn không ít phụ huynh cho rằng, chỉ cần tiêm ngừa đủ 3 mũi vắc xin 5 trong 1 phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi và viêm màng não do vi khuẩn Hib ở năm đầu đời thì cơ thể trẻ sẽ miễn nhiễm với bệnh nên thường không chú ý đưa trẻ đi tiêm nhắc lại các mũi vắc xin. Điều đó gây ra nhiều hệ lụy bởi dù đã được tiêm các mũi vắc xin đầu đời, nhưng theo thời gian, sự miễn dịch của cơ thể với các bệnh này sẽ dần suy giảm và nếu không được tiêm nhắc lại, trẻ sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao. Đặc biệt, tất cả những người chưa từng được tiêm chủng đầy đủ vắc xin bạch hầu đều có thể bị bệnh bởi miễn dịch bảo vệ sau tiêm vắc xin thường kéo dài khoảng 10 năm; dù hiệu quả bảo vệ của vắc xin cao (lên đến 97%) nhưng kháng thể trong cơ thể sẽ giảm dần theo thời gian, do vậy nếu không tiêm nhắc lại vẫn có khả năng mắc bệnh.
Khi trẻ đủ 18 tháng tuổi, phụ huynh nên cho trẻ đi tiêm nhắc lại mũi vắc xin phòng bệnh bạch hầu. Ảnh: Đình Thi |
“Thực tế, việc ghi nhớ và đưa trẻ đi tiêm nhắc lại các mũi vắc xin cần thiết cho trẻ (thường ở trẻ từ 18 tháng tuổi) thường bị bố mẹ sao nhãng. Nguyên nhân một phần do chưa hiểu rõ về vai trò quan trọng của mũi tiêm này. Thêm vào đó, thời gian qua, do đại dịch Covid-19 nên có thời gian hoạt động tiêm chủng phải tạm ngưng. Trước tình hình bệnh bạch hầu đang diễn biến phức tạp, các bậc cha mẹ cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ các liều vắc xin bắt buộc, đặc biệt chú ý các mũi tiêm nhắc lại để cơ thể trẻ có đầy đủ kháng thể phòng bệnh”, bác sĩ Trần Thị Thúy Minh, Trưởng Khoa Nhi tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) nhấn mạnh.
Phương Nhiên
Các tin khác
- Thông cáo báo chí về việc ghi nhận thêm một trường hợp bệnh nhân dương tính với COVID-19
- Hội Chữ thập đỏ thành phố Buôn Ma Thuột tặng quà hỗ trợ các chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19
- Trao tặng hơn 3000 khẩu trang cho các em học sinh trường THCS Lế Văn Tám, huyện Krông Pắc
- Y tế cơ sở quyết liệt phòng, chống dịch bệnh COVID-19
- Ghi nhận trường hợp thứ 3 dương tính với SARS-CoV-2
- Thủ tướng yêu cầu giải quyết dứt điểm các ổ dịch, nhanh chóng ổn định tình hình
- Khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho hơn 1.350 lượt bệnh nhân huyện Lắk và TP. Buôn Ma Thuột
- Đắk Lắk gia tăng trẻ mắc tay chân miệng