Hội Chữ Thập đỏ tỉnh : Kế thừa và phát huy truyền thống nhân ái

Cập nhật lúc: 14:29 23/11/2021

Trải qua hơn 40 năm xây dựng và trưởng thành, Hội Chữ Thập đỏ tỉnh luôn thể hiện vai trò, trách nhiệm trong việc kế thừa và phát huy truyền thống nhân ái của dân tộc, sẵn sàng sát cánh cùng những người nghèo, người yếu thế trong xã hội vượt qua khó khăn.

Vì mọi người, ở mọi nơi

Hội Chữ thập đỏ tỉnh được thành lập năm 1979. Đến nay, toàn tỉnh có 15 tổ chức Hội cấp huyện, thị, thành phố; với 74.750 hội viên, 5.372 tình nguyện viên đang tham gia sinh hoạt tại 184 tổ chức cơ sở Hội xã, phường, thị trấn và 27 Hội tương đương.

Hội Chữ Thập đỏ tỉnh trao hỗ trợ “Túi an sinh” cho nhân dân xã Đắk Phơi, huyện Lắk

Nhiều năm qua, Hội đã duy trì tốt các phong trào, cuộc vận động xã hội nhân đạo như: Phong trào “Tết vì người nghèo, nạn nhân chất độc da cam”, Tháng nhân đạo; Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”; các chương trình xây nhà tình nghĩa, hỗ trợ phát triển sinh kế cho nhân dân; cứu trợ đồng bào bị thiên tai, bão lũ... góp phần tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu giảm nghèo, chính sách an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới và chăm lo ổn định cuộc sống cho nhân dân, góp phần xây dựng quê hương Đắk Lắk giàu đẹp.

Phong trào hiến máu tình nguyện đáp ứng nhu cầu điều trị của các bệnh viện trong giai đoạn dịch Covid-19

Bà Trần Thị Phương Thu – Phó Chủ tịch Hội Chữ Thập đỏ tỉnh cho biết, nhiều năm qua, công tác hội và phong trào CTĐ được triển khai ngày càng có hiệu quả, bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, phù hợp với nhu cầu của đối tượng hưởng lợi, góp phần tham gia thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước và địa phương. Hội Chữ thập đỏ tỉnh không ngừng lớn mạnh và phát triển về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, với tinh thần Chữ thập đỏ “Vì mọi người, ở mọi nơi”, Hội Chữ thập đỏ các cấp cũng tích cực vận động, tiếp nhận nguồn lực từ các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp tại địa phương để kịp thời hỗ trợ người dân tại những vùng dịch, những địa phương đang là “tâm dịch”. Tổng giá trị hoạt động nhân đạo của các cấp Hội 9 tháng đầu năm 2021 đạt trên 63 tỷ đồng. Phong trào hoạt động tình nguyện viên Chữ thập đỏ linh hoạt phù hợp với thực tiễn, hướng về cộng đồng, sát cánh cùng bà con nhân dân, những người có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế trong xã hội.

Trong việc triển khai chính sách an sinh xã hội hỗ trợ nhân dân, Hội tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan ban ngành, đoàn thể và các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh vận động và tiếp nhận nguồn lực để kịp thời hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19. Từ đầu năm đến nay, các cấp Hội Chữ thập đỏ trong tỉnh đã vận động tổng kinh phí gần 8,9 tỷ đồng để triển khai các hoạt động hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

Nâng cao chất lượng công tác nhân đạo

Cũng theo bà Trần Thị Phương Thu – Phó Chủ tịch Hội Chữ Thập đỏ tỉnh, giai đoạn 2021-2025, Hội CTĐ tỉnh đang tham mưu cấp ủy chính quyền củng cố, kiện toàn các chức danh chủ chốt của Hội theo Hướng dẫn 30-HD/BTCTW ngày 13/4/2020 của Ban Tổ chức Trung ương và Chị thị 54 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Đại hội Hội Chữ thập đỏ các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Đại hội Hội Chữ Thập đỏ xã Ea Ô- Huyện Eakar

Với phương châm “Đổi mới tư duy - Tạo dựng vị thế - Bảo vệ sự sống”,  Hội Chữ thập đỏ tỉnh đề ra nhiều giải pháp nâng cao chất lượng công tác nhân đạo và hoạt động Chữ thập đỏtrong tình hình mới. Cụ thể, các cấp hội sẽ chủ động rà soát, đánh giá đúng thực trạng về tình hình và chất lượng tổ chức bộ máy, cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên chữ thập đỏ trên địa bàn tỉnh, xây dựng tổ chức bộ máy, cán bộ bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Chuyển mạnh các hoạt động nhân đạo của Hội theo hướng gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị trong phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, thông qua các Chương trình trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững… Xây dựng Chương trình phối hợp giai đoạn 2021-2026 giữa Hội Chữ thập đỏ với các cơ quan, đơn vị trong hoạt động công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ trên địa bàn tỉnh

Chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền triển khai kịp thời các nhiệm vụ trọng tâm được quy định trong Luật hoạt động chữ thập đỏ. Hằng năm tập trung tổ chức tốt “Tháng nhân đạo” và Phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”; Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”;

Triển khai thực hiện các Đề án do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam triển khai như: Phát triển hệ thống sơ cấp cứu dựa vào cộng đồng; Xây dựng mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng; Phát triển cộng đồng an toàn, thích ứng với biến đổi khí hậu; Phát triển hệ thống, điểm hiến máu cố định; Xây dựng Hội là tổ chức nòng cốt trong thực hiện các hoạt động nhân đạo và phong trào chữ thập đỏ…

Tăng cường hợp tác với các tổ chức nước ngoài và thực hiện tốt công tác đối ngoại nhân đạo, nhằm thu hút nguồn lực và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với các hoạt động nhân đạo trên địa bàn tỉnh.

Ngày 23/11/1946 đã đi vào lịch sử của Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Việt Nam như một mốc son đánh dấu sự ra đời của một tổ chức xã hội nhân đạo quần chúng, do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và làm Chủ tịch danh dự đầu tiên.

Phát huy truyền thống 75 năm xây dựng và trưởng thành, các cấp Hội CTĐ trong tỉnh đã nỗ lực phấn đấu, thực hiện tốt vai trò nòng cốt của mình với sứ mệnh nhân đạo, từ thiện, giúp đỡ hàng nghìn hoàn cảnh vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

 

Kim Bảo