Chủ động phòng ngừa trước cao điểm dịch sốt xuất huyết
Cập nhật lúc: 15:03 15/08/2022
Số mắc SXH tăng cao
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính từ đầu năm đến ngày 8/8, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 2.874 trường hợp mắc SXH, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2021. Dịch bệnh bắt đầu gia tăng mạnh từ tháng 6/2022. Đáng nói, từ ngày 27/7 đến nay, toàn tỉnh đã có 2 trường hợp tử vong do SXH tại các huyện Ea Súp và Krông Ana.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân đang điều trị sốt xuất huyết tại Trung tâm Y tế huyện Buôn Đôn. |
Ghi nhận tại huyện Buôn Đôn, đến thời điểm hiện tại, toàn huyện đã ghi nhận 216 ca mắc SXH tăng 122% so với cùng kỳ năm 2021. Bác sĩ Đoàn Quốc Đỉnh, Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) huyện cho biết, trung bình mỗi ngày, Trung tâm tiếp nhận 2 - 3 ca mắc SXH nhập viện. Đối với những ca chuyển nặng, bệnh nhân đã có dấu hiệu cảnh báo được đưa vào theo dõi sát để nhận định sớm nguy cơ thực hiện phân loại bệnh nhân, phân tuyến điều trị và điều trị đúng phác đồ, hạn chế tối đa tình trạng biến chứng nặng gây tử vong.
Còn tại Buôn Ma Thuột, tính đến nay, toàn thành phố ghi nhận hơn 100 ca mắc bệnh SXH, 1 ổ dịch. Đặc biệt, từ đầu tháng 7 đến nay số ca mắc SXH tăng mạnh, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021. Trước tình hình bệnh diễn ra phức tạp, TP. Buôn Ma Thuột đã thành lập đoàn kiểm tra tình hình phòng, chống bệnh SXH tại các phường, xã. Qua kiểm tra cho thấy, các địa phương đã tích cực triển khai nhiều biện pháp phòng, chống bệnh SXH với sự tham gia của cả cộng đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, tại các khu dân cư vẫn còn tình trạng người dân chủ quan với hoạt động phòng, chống dịch, môi trường để bọ gậy, lăng quăng sinh sôi, nảy nở, phát triển thành muỗi truyền bệnh sốt SXH còn phức tạp; mật độ lăng quăng (bọ gậy), muỗi truyền bệnh SXH ở trong các hộ dân vẫn khá nhiều…
Đến nay, toàn tỉnh đã phát hiện 140 ổ dịch SXH nhỏ tại 61 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Ngành y tế tỉnh đã xử lý 100% ổ dịch SXH được phát hiện bằng phun hóa chất và vệ sinh môi trường. |
Không để “dịch chồng dịch”
Theo nhận định của ngành y tế, hiện nay thời tiết nắng, mưa xen kẽ, kéo dài là điều kiện thuận lợi cho dịch SXH bùng phát. Vì vậy, để khống chế dịch bệnh, ngoài sự nỗ lực của ngành y tế, người dân cần tích cực dọn vệ sinh môi trường; vệ sinh nhà ở thoáng mát, sạch sẽ; thực hiện các biện pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng ở những nơi có nước đọng; xử lý sạch các dụng cụ, phế thải ứ đọng nước... hạn chế môi trường để muỗi sinh sản, lây truyền bệnh SXH.
Hiện nay, tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh, dù chưa đến thời điểm đỉnh dịch SXH, song ngành y tế đã chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa, lên phương án ứng phó với các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra. Đơn cử như tại huyện Buôn Đôn, để thực hiện tốt công tác phòng ngừa, TTYT huyện đã xử lý phun hóa chất các ổ dịch nhỏ cho gần 600 hộ gia đình. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức để nâng cao ý thức của người dân trong việc tham gia cùng ngành y tế, các ban, ngành diệt lăng quăng, vệ sinh nơi ở. Đồng thời, TTYT huyện cũng triển khai tập huấn các phác đồ điều trị, nâng cao năng lực giám sát, dự báo cộng đồng về SXH cho đội ngũ y bác sĩ, đáp ứng các tình huống xảy ra. Tuy nhiên, trước tình trạng SXH tăng cao như hiện nay, khó khăn lớn nhất vẫn là vấn đề nhân lực, thuốc và các hóa chất phục vụ công tác phòng, chống SXH.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan (thứ ba từ phải sang) cùng lãnh đạo tỉnh thăm hỏi bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tại Trung tâm Y tế huyện Buôn Đôn. |
Theo Giám đốc Sở Y tế Nay Phi La, thời gian qua, Sở đã tham mưu UBND tỉnh có kế hoạch đề nghị các cơ quan, ban, ngành đặc biệt là công an, quân đội tham gia vệ sinh môi trường 2 lần/tuần. Thế nhưng, việc mua hóa chất hiện gặp khó khăn nên ngành y tế chủ yếu tập trung xử lý cho các ổ dịch. Sở cũng giao cho y tế các địa phương thành lập các tổ xung kích diệt lăng quăng và bố trí kinh phí để hoạt động hiệu quả.
Trong chuyến công tác vừa qua tại Đắk Lắk, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đánh giá nguy cơ “dịch chồng dịch” của Đắk Lắk là rất cao. Đồng chí yêu cầu ngành y tế tỉnh cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành địa phương làm tốt hơn nữa công tác truyền thông về phòng, chống dịch bệnh, bao gồm cả SXH và dịch COVID-19. Hệ thống y tế huyện, nhất là ở cơ sở, ngoài việc làm tốt công tác y tế dự phòng, cần chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị y tế, nhân lực, thuốc men… để chủ động trong mọi tình huống khi dịch bệnh xảy ra, kiên quyết không để hình thành ổ dịch lớn trong cộng đồng.
Hồng Chuyên
Các tin khác
- Khám bệnh, tặng quà cho 300 hộ nghèo và 100 phần quà cho học sinh tại xã Ea Drông, thị xã Buôn Hồ
- Liên đoàn Lao động tỉnh ký kết thỏa thuận hợp tác về nâng cao phúc lợi cho đoàn viên và người lao động giai đoạn 2020-2023
- Gở bỏ hạn chế về việc tập trung đông người trong phòng, chống dịch Covid -19
- Tập huấn Công tác đối ngoại, vận động nguồn lực và quản lý dự án
- 98,84% thí sinh đến làm thủ tục dự thi đợt 2 Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020
- Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh Đắk Lắk thăm và động viên lực lượng Biên phòng thực hiện nhiệm vụ trên biên giới
- Đắk Lắk thực hiện quy trình công tác cán bộ của Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ nhiệm kỳ 2020-2025
- Chấm dứt cách ly xã hội tại thành phố Buôn Ma Thuột và triển khai các biện pháp chống dịch Covid -19 trên địa bàn tỉnh.