Thủ tướng yêu cầu đóng cửa các dịch vụ không cần thiết
Cập nhật lúc: 08:48 24/03/2020
Tại phiên họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống Covid-19 chiều 23-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định trong 10-15 ngày tới sẽ quyết định thất bại hay thành công trong chống dịch Covid-19. Do đó, Thủ tướng yêu cầu đóng cửa các dịch vụ không cần thiết để hạn chế tối đa việc tụ tập đông người.
Trước bối cảnh phòng chống dịch khó khăn, Thủ tướng nêu rõ: "Trong 10-15 ngày tới sẽ đánh dấu sự thất bại hay thành công của công tác phòng chống Covid-19 tại Việt Nam. Tất cả các hệ thống, cấp ngành, hệ thống chính trị và nhân dân chúng ta đã có rất nhiều cố gắng. Chúng ta đã quyết liệt rồi, chặt chẽ rồi nhưng càng phải quyết liệt hơn, chặt chẽ hơn, tăng cường hơn nữa và nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, nhân dân. Việt Nam kiên trì nguyên tắc chống dịch là ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch".
Về các biện pháp cấp bách, tạm thời trong lúc dịch sang giai đoạn mới, Thủ tướng nêu rõ, sự đồng lòng, chung tay vào cuộc, sự nghiêm túc, quyết liệt trong phòng chống, đặc biệt là sự phối hợp trong nhân dân, trong từng đường phố, từng chung cư, từng ngôi nhà và người dân rất quan trọng. Vì thế, Thủ tướng yêu cầu đóng cửa các dịch vụ không cần thiết để hạn chế tối đa việc tụ tập đông người. Đề nghị các cơ sở thờ tự không tụ tập đông người và yêu cầu các địa phương nghiêm khắc nhắc nhở vấn đề này. Chủ tịch UBND các tỉnh, Bộ trưởng Công an chỉ đạo lực lượng chức năng “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, yêu cầu cung cấp ngay những thông tin của người đi từ ngước ngoài về từ ngày 8-3. Bộ Công an cung cấp thông tin của mọi người dân này cho cơ sở y tế để xác định các đối tượng gần với người đó để cách ly và xét nghiệm, tránh lây lan trong nhân dân.
Thủ tướng cũng cho rằng có 3 vòng phải làm cho tốt. Một là tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất, nhập cảnh một cách gay gắt, quyết liệt, cả đường bộ, đường không, đường thủy, đường sắt với các biện pháp kiểm tra y tế chặt chẽ. Thứ hai là tiếp tục cách ly tập trung đúng quy định, quyết liệt, dù tốn kém. Thứ ba là phải có phương thức cách ly đặc biệt tại gia đình hoặc khu vực được sự giám sát của ngành y tế theo quy trình chặt chẽ, không được để lây lan dịch ra cộng đồng.
Các nhân viên y tế làm vệ sinh khử khuẩn tại khu cách ly tập trung của tỉnh.
Về mua sắm trang thiết bị phòng chống dịch, Thủ tướng giao Ban Chỉ đạo xem xét, xử lý việc mua sắm với tinh thần công khai, minh bạch, kịp thời, làm nhanh nhưng chống tham ô, tham nhũng. Bộ Y tế nêu tổng quát kinh phí để báo cáo với cơ quan chức năng và nhanh chóng có các phương án mua, sử dụng các loại test xét nghiệm kịp thời hơn, báo cáo Trưởng Ban chỉ đạo. Bộ Y tế có trách nhiệm khẩn trương triển khai xét nghiệm nhanh tại các khu cách ly, tại cộng đồng để sàng lọc người nhiễm Covid-19, hạn chế thấp nhất nguy cơ lây nhiễm. Nếu máy xét nghiệm và test kit xét nghiệm trong nước bảo đảm chất lượng thì tập trung mua sản phẩm trong nước phục vụ công tác phòng chống dịch.
Thủ tướng đồng ý mở rộng xã hội hóa, đóng góp tự nguyện trong điều kiện cách ly tập trung. Đối với việc cách ly tập trung tại khách sạn, ưu tiên cách ly đối với người nước ngoài và do đơn vị, cá nhân người nước ngoài thanh toán. Căn cứ vào tình hình nhập cảnh, cách ly tập trung hiện nay, Bộ Y tế có ý kiến cụ thể với Bộ Quốc phòng và phân bổ cho các địa phương về số cơ sở và số lượng người cách ly tập trung để chủ động triển khai.
Kim Oanh (tổng hợp
Các tin khác
- Trao kinh phí hỗ trợ 300 lao động ngoại tỉnh bị mất việc từ vùng dịch trở về địa phương
- Hỗ trợ 100 lao động Buôn Đôn bị ảnh hưởng bởi đại dịch
- Triển khai Phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” Xuân Nhâm Dần – 2022
- Kỷ niệm 75 năm thành lập Hội Chữ thập đỏ Việt Nam
- Hội Chữ thập đỏ vận động hỗ trợ gần 8,9 tỷ đồng phòng chống dịch COVID-19
- Hội Chữ Thập đỏ tỉnh hỗ trợ 300 lao động ngoại tỉnh bị mất việc từ vùng dịch trở về địa phương
- Công ty TNHH Gia Thành hỗ trợ 2000 con gà cho các khu cách ly và người dân bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19
- ĐÓN ĐOÀN HỒI HƯƠNG TỪ CÁC TỈNH BẠN