Gỡ vòng luẩn quẩn đói nghèo ở vùng sâu vùng xa
Cập nhật lúc: 08:37 28/10/2019
Theo đánh giá của ngành chức năng, chương trình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh những năm qua đã đạt những kết quả tích cực, nhưng vẫn còn những tồn tại, hạn chế, đáng chú ý là tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo ở một số địa phương còn cao, đặc biệt là trong đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu tập trung ở các xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn.
Khảo sát thực tế cho thấy, các khu dân cư có đa phần hộ nghèo sinh sống thường ở các vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, đường sá đi lại trắc trở, việc tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản còn rất hạn chế. Đơn cử như những điểm cư trú của các hộ dân di cư ngoài kế hoạch, họ sống bất hợp pháp trên đất lâm nghiệp, không hộ khẩu, không chứng minh nhân dân, không có điện, nhà ở lụp xụp… Nghề nghiệp chủ yếu làm nông, canh tác lạc hậu, lại phụ thuộc hoàn toàn thiên nhiên, nên năng suất cây trồng đạt khá thấp. Nếu có được mùa chăng nữa thì nông sản cũng thường xuyên bị ép giá, bởi đường sá đi lại quá xấu, việc vận chuyển ra trung tâm không hề dễ dàng.
Một khó khăn nữa là đa phần trình độ dân trí còn khá thấp. Có những điểm dân cư, số lượng người tốt nghiệp THPT chỉ đếm trên đầu ngón tay, bởi hầu hết đã nghỉ học khá sớm để làm nương rẫy. Cùng với đó là tình trạng tảo hôn, đông con, không ít gia đình có từ 3-5 người con, thậm chí đông hơn thế cùng sinh sống trong một không gian chật chội, thiếu thốn đủ bề…
Mô hình nuôi bò nhốt đã giúp nhiều gia đình ở huyện Krông Bông thoát nghèo. Ảnh: Khả Lê
Xuất phát điểm thấp, cuộc sống lại quá ngặt nghèo khiến bà con rơi vào vòng luẩn quẩn: trình độ dân trí thấp – thu nhập bấp bênh – ít có cơ hội tiếp cận các dịch vụ kinh tế, xã hội cơ bản – đông con – nghèo khó. Vòng luẩn quẩn ấy dai dẳng bám lấy nhiều thế hệ trong gia đình và cũng từ đó gây ra nhiều vụ việc "nóng" như tình trạng phá rừng làm rẫy, lấn chiếm đất rừng, tranh chấp, khiếu kiện, mất an ninh trật tự…
Với trách nhiệm của mình, chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng đã áp dụng nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ bà con phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Tuy nhiên, các giải pháp được đưa ra chưa thực sự bền vững. Đơn cử như việc thỉnh thoảng tổ chức trao các phần quà cho người dân, đây chỉ là hình thức hỗ trợ tức thì, chưa thể giải quyết được tận gốc vấn đề về lâu dài. Hay như việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật mỗi năm chỉ một vài đợt thì liệu có hiệu quả với những người có trình độ thấp, nhận thức hạn chế, ít có điều kiện tiếp xúc xã hội văn minh...
Để tháo gỡ cái vòng luẩn quẩn ấy, cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, nhưng có lẽ cốt lõi vấn đề vẫn là đưa ánh sáng văn minh về vùng sâu. Nếu như được quan tâm, đầu tư nhiều hơn vấn đề điện, đường, trường, trạm, người dân sẽ có thêm cơ hội tiếp thu kiến thức, tiếp cận với các dịch vụ kinh tế, xã hội. Việc hỗ trợ bà con là rất cần thiết, nhưng thay vì tặng “con cá”, hãy trao “cần câu” để hướng dẫn họ cách “bắt mồi”. Khi các ngành chức năng cùng người dân vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số quyết tâm chung tay “gỡ” từng mắt xích, thì dần dần sẽ tháo gỡ được cái vòng luẩn quẩn đói nghèo.
Song Quỳnh
Các tin khác
- Lễ phát động và triển khai các hoạt động “Tháng Nhân đạo” cấp tỉnh năm 2023
- Vận động trên 1.175 tỷ đồng cho phong trào "Tết nhân ái" Xuân Quý Mão 2023
- Tặng 200 triệu đồng cho bà con nghèo tại chương trình “Tết Nhân ái”
- Cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em vùng biên giới bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19
- Tâp huấn, Hướng dẫn triển khai khoản viện trợ phi dự án "Cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 có hoàn cảnh khó khăn"
- Tuyên dương học sinh tiêu biểu trong chương trình “Nâng bước em tới trường” và “Con nuôi đồn Biên phòng”
- Lan tỏa tinh thần Chữ thập đỏ trong công tác chăm lo đồng bào các tỉnh vùng sâu vùng xa
- Hội Chữ thập đỏ tỉnh Đắk Lắk lan tỏa các hoạt động nhân đạo