Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia về cơn bão số 6 cơn bão có khả năng đổ bộ từ các tỉnh Quảng Ngãi đến Khánh Hòa

Cập nhật lúc: 09:42 11/11/2019

Hồi 04 giờ ngày 08/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 13,0 độ Vĩ Bắc; 116,8 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 330km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-115km/giờ), giật cấp 14. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 120km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão đổi hướng di chuyển về phía Tây, mỗi giờ đi được 5-10km và có khả năng mạnh thêm. Đến 04 giờ ngày 09/11, vị trí tâm bão ở khoảng 12,8 độ Vĩ Bắc; 114,8 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 170km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên) do ảnh hưởng của bão và không khí lạnh: Phía Bắc vĩ tuyến 11,5 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 112,0 độ Kinh Đông.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được  10-15km. Đến 04 giờ ngày 10/11, vị trí tâm bão ở khoảng 13,0 độ Vĩ Bắc; 111,7 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa khoảng 260km về phía Tây Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km, đi vào đất liền sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 04 giờ ngày 11/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 13,7 độ Vĩ Bắc; 108,0 độ Kinh Đông, trên khu vực các tỉnh Tây Nguyên. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 7.

Trong 72 đến 96 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực phía Bắc Cam-pu-chia.

Căn cứ dự báo trên các tỉnh, thành thực hiện:

1. Thường xuyên theo dõi diễn biến của cơn bão và mưa lũ, thông báo đến các cấp Hội địa phương để chủ động ứng phó, đặc biệt các tỉnh vùng có địa hình đồi, núi cần chú trọng phòng ngừa xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt ven sông.

2. Phối hợp với các Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm Cứu hộ cứu nạn và ban, ngành tại địa phương khảo sát, đánh giá thiệt hại và nhu cầu.

3. Phân công cán bộ trực 24/24 giờ và cử cán bộ đầu mối cung cấp, chia sẻ thông tin hoạt động ứng phó của địa phương.

4. Huy động đội Ứng phó thiên tai, thảm họa các cấp, Đội Thanh niên xung kích Chữ thập đỏ tham gia di dời, sơ tán, cứu hộ, cứu trợ dân trước, trong và sau khi lũ lụt xảy ra khi có yêu cầu của chính quyền địa phương. Huy động, vận động các tầng lớp nhân dân tự cứu, tương trợ và giúp đỡ nhau.

5. Chủ động xuất tiền, hàng dự trữ của tỉnh Hội nhằm thăm hỏi động viên người dân bị thiệt hại. Đối với các tỉnh có bột lọc nước P&G, tổ chức cấp phát và hướng dẫn sử dụng cho người dân vùng thiếu nước sinh hoạt, nước không đảm bảo vệ sinh, vùng ngập sâu.