Đắk Lắk đặt mục tiêu giảm tỷ lệ thất nghiệp trong năm 2021
Cập nhật lúc: 09:09 21/01/2021
Sở Lao động Thương binh Xã hội (LĐTBXH) cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, số lượng người lao động (NLĐ) thất nghiệp xin hưởng trợ cấp ở tỉnh Đắk Lắk vẫn còn khá cao. Thời gian đến, Sở sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung giải quyết vấn đề này, tìm kiếm công ăn việc làm ổn định cho NLĐ tại chỗ, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa...
Nhân viên Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tư vấn cho lao động có nhu cầu đi xuất khẩu lao động (Ảnh minh họa)
Theo số liệu từ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, trong năm 2020, toàn tỉnh có trên 9.000 người nộp hồ sơ thất nghiệp. Có 8.844 người đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. Số tiền mà phía BHXH chi trả trợ cấp thất nghiệp lên tới trên 127 tỷ đồng. Trong đó, số người làm ở địa phương khác nộp hồ sơ thất nghiệp là 5.136 người. Chỉ tính riêng trong tháng 12.2020, số lượng người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp là 566 người. Số người làm việc ở địa phương khác chuyển về Đắk Lắk là 314 người (chiếm 56%).
Chia sẻ về vấn đề này, bà Trần Thị Minh Lý- Phòng Lao động, Việc làm và Giáo dục nghề nghiệp (Sở LĐTBXH) cho biết, số lao động thất nghiệp ở địa phương tăng cao là do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên nhiều doanh nghiệp ở địa phương bị đình trệ sản xuất, thu hẹp quy mô hoạt động. Ngoài ra, số lao động thất nghiệp từ các tỉnh khác (Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM) đổ về Đắk Lắk thời gian qua khá cao. Nhiều NLĐ đang tìm công việc tạm thời ở Đắk Lắk nhưng chỉ mang tính chất thời vụ, không bền vững. Cần nhấn mạnh rằng, số lượng NLĐ thất nghiệp ở địa phương năm nay tăng cao hơn cùng kỳ những năm về trước. Khi NLĐ thất nghiệp tăng cao sẽ tạo áp lực cho cơ quan chức năng trong việc kiếm việc làm cho họ và sinh ra một số hệ luỵ tiêu cực khác".
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng dịch bệnh kéo dài nên công tác giới thiệu việc làm cho NLĐ thất nghiệp chưa đạt được kết quả khả quan. Số NLĐ tìm được việc làm mới khi được giới thiệu không nhiều. Đối với công tác hỗ trợ học nghề cũng chịu ảnh hưởng do vấn đề giãn cách xã hội buộc các cơ sở đào tạo nghề phải tạm dừng hoạt động trong một khoảng thời gian đáng kể, bà Trần Thị Minh Lý thông tin thêm.
Ông Trần Phú Hùng - Giám đốc Sở LĐTBXH Đắk Lắk - nhận định: "Với tình hình thất nghiệp như hiện nay, trong năm 2021, cơ quan chức năng tỉnh sẽ phải chủ động tìm các đơn hàng lớn, kết nối các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động (đặc biệt là ở các khu công nghiệp) để giới thiệu việc làm cho NLĐ ở địa phương. Ngoài ra, Sở LĐTBXH cũng sẽ tiếp tục tăng cường công tác giáo dục, đào tạo nghề nghiệp, kết nối thị trường lao động, đáp ứng yêu cầu của người sử dụng lao động để giải quyết việc làm bền vững cho NLĐ, tạo thu nhập ổn định cho họ.
Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh và các đơn vị liên quan khác tiếp tục kêu gọi doanh nghiệp lớn đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng để giải quyết việc làm cho NLĐ ở địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số khu vực vùng sâu, vùng xa; tăng cường thu thập thông tin thị trường lao động, khai thác vị trí việc làm trống để giới thiệu, tư vấn học nghề cho NLĐ đang thất nghiệp chọn nghề, việc làm phù hợp. Nếu như trong thời gian đến, Đắk Lắk thực hiện được các nhiệm vụ trên thì số lượng NLĐ thất nghiệp tại địa phương sẽ giảm đi đáng kể - Ông Trần Phú Hùng cho hay.
“Kể từ ngày 1.1.2021, Nghị quyết số 14/2020/NQ-HĐND về quy định các đối tượng chính sách khác được vay từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách Xã hội để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sẽ có hiệu lực thi hành. Toàn ngành sẽ tăng cường tuyên truyền đến đối tượng có nhu cầu. Đối với NLĐ khi tham gia thị trường xuất khẩu lao động sẽ được hướng dẫn triển khai vay đúng đối tượng và đẩy mạnh việc hỗ trợ về thông tin thị trường lao động nước ngoài theo hướng dẫn của Bộ LĐTBXH, tăng cường kết hợp với doanh nghiệp xuất khẩu uy tín để đào tạo ngôn ngữ và kỹ năng ở một số ngành nghề mà thị trường nước ngoài có nhu cầu cao”, ông Trần Phú Hùng nhấn mạnh.
Tại Kế hoạch triển khai nhiệm vụ năm 2021, Sở LĐTB&XH đặt mục tiêu giải quyết việc làm cho khoảng 29.800 người, trong đó xuất khẩu lao động khoảng 1.250 người. Tư vấn việc làm và nghề nghiệp cho 40.000 lượt người (trong đó, tư vấn việc làm cho 26.500 lượt người); giới thiệu việc làm cho 15.000 lượt người, trong đó số lao động có việc làm sau khi giới thiệu 6.500 người; cung ứng lao động cho 500 người. Hỗ trợ cho vay vốn tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho khoảng 3.500 lao động, với tổng số vốn cho vay khoảng 126 tỷ đồng. Phấn đấu duy trì tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị trong khoảng 2,5%. Hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn: 6.000 học viên, trong đó đào tạo nghề phi nông nghiệp khoảng 4.000 học viên; đào tạo nghề nông nghiệp cho 2.000 học viên. |
Kim Bảo
Các tin khác
- UBND tỉnh họp về tiến độ xây dựng Trung tâm giám sát điều hành thông minh
- Họp Ban Tổ chức chuẩn bị Lễ tổng kết Cuộc vận động "Hiến kế xây dựng và phát triển tỉnh Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh"
- Tập trung thực hiện đúng tiến độ các nhiệm vụ do UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao
- Họp Ban Chỉ đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026
- Thông báo số 28/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về phòng, chống dịch COVID-19.
- Agribank chi nhánh Bắc Đắk Lắk và Agribank chi nhánh tỉnh Đắk Lắk trao tặng 500 triệu đồng ủng hộ phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” nhân dịp tết Nguyên Đán Tân Sửu 2021
- Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh trao tặng hơn 63 triệu đồng ủng hộ phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” nhân dịp tết Nguyên Đán Tân Sửu 2021
- Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường thăm, chúc Tết các gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Buôn Đôn