Đắk Lắk sẽ đổi mới quy trình tuyển chọn, bổ nhiệm lãnh đạo cấp Sở, cấp phòng
Cập nhật lúc: 09:23 04/05/2020
Trong thời gian tới, tỉnh Đắk Lắk sẽ tiếp tục đổi mới quy trình tuyển chọn, bổ nhiệm lãnh đạo cấp Sở, phòng, tổ chức thi tuyển đối với các chức danh ở đơn vị chuyên môn để kiện toàn công tác cán bộ từ tỉnh đến cơ sở. Đây cũng là đề xuất được tỉnh Đắk Lắk đưa ra tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Đề án “Thí điểm đối với cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng” do Bộ Nội vụ tổ chức vào ngày 27/4/2020. Hiện UBND tỉnh đang trình Trung ương cho cơ chế và hoàn thiện chính sách liên quan, đồng thời yêu cầu cấp ủy và chính quyền toàn tỉnh phải đặc biệt quan tâm đổi mới cơ chế tuyển chọn cán bộ để xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ trong thời kỳ hội nhập.
Thi tuyển để chọn người tài
Sau khi có văn bản chỉ đạo của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã giao cho Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh về việc giới thiệu chức danh thí điểm thi tuyển chức vụ lãnh đạo, quản lý. UBND tỉnh yêu cầu Sở, ngành thực hiện thi tuyển các chức danh, xây dựng giải pháp thu hút đội ngũ cán bộ giỏi, có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đủ về số lượng, có chất lượng và cơ cấu phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát các chức danh, tiêu chuẩn từng chức danh để đăng ký tổ chức thí điểm thi tuyển và tổng hợp báo cáo tình hình thực tế các chức danh Giám đốc, Phó giám đốc và Trưởng phòng các Sở, ngành và tương đương trực thuộc UBND tỉnh có nhu cầu sẽ bổ nhiệm từ nay đến năm 2020.
Thi tuyển chức danh Trưởng phòng Tổ chức, biên chế Sở Nội vụ
Trên cơ sở tổng hợp các chức danh lãnh đạo, quản lý cần thi tuyển, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Đề án số 06-ĐA/TU, ngày 19/10/2017, với việc thực hiện thí điểm thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý cụ thể như sau: 01 chức danh Phó Giám đốc Sở Y tế; 01 chức danh trưởng phòng Trưởng phòng Tổ chức biên chế, thuộc Sở Nội vụ. Năm 2019 Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục có Thông báo số 701-KL/Tu ngày 12/9/2019 về việc tổ chức thi tuyển chức danh Chi cục trưởng Nông lâm sản và thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Năm 2020 Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Quy định số 20-QĐ/TU ngày 8/02/2020; Kế hoạch số 146-KH/TU ngày 8/02/2020 và Ủy ban nhân dân tỉnh đã có Thông báo số 20/TB-UBND ngày 26/02/2020 về việc tổ chức thi tuyển 03 chức danh lãnh đạo cấp Sở: Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Giám đốc Sở Công Thương và Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Đến nay tổ chức triển khai thực hiện thí điểm đổi mới cách tuyển chọn cán bộ lãnh đạo quản lý cấp sở, cấp phòng tại tỉnh Đắk Lắk đã kết quả đạt được như sau: Trong năm 2017 và 2018 tỉnh Đắk Lắk đã tuyển chọn được 01 Tiến sỹ Y học vào vị trí Phó giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk; 02 công chức có trình độ chuyên môn trên đại học vào vị trí Trưởng Phòng Công chức viên chức và Trưởng Phòng Tổ chức biên chế của Sở Nội vụ và một số chức danh lãnh đạo cấp phòng thuộc các sở, ngành hiện nay đang được triển khai thực hiện.
Đắk Lắk thí điểm tuyển chọn Bí thư huyện Lắk và Buôn Đôn
Theo đánh giá của UBND tỉnh, cách tuyển chọn cán bộ thông qua thi tuyển là một cách làm mới, qua thi tuyển đã lựa chọn được người có đủ phẩm chất, năng lực vào các vị trí, nhằm đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ. Quá trình triển khai thực hiện thí điểm thi tuyển các chức danh lãnh đạo đã tạo được dư luận tốt trong các cơ quan, đơn vị và đội ngũ cán bộ, đảng viên của tỉnh, người tham gia dự tuyển và trúng tuyển đã có nhiều cố gắng để khẳng định bản thân mình và đã phát huy tốt trong thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao.
Hoàn thiện cơ chế, quy trình tuyển chọn
Tính đến ngày 31/12/2019 đội ngũ cán bộ của tỉnh là 40.549 người, trong đó: Cán bộ công chức 3.156 người, Viên chức 37.393 người. Cán bộ, công chức cấp xã 4.219 người. Cơ cấu cán bộ ngày càng hợp lý hơn, tỉ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ ở một số ngành, lĩnh vực tăng khá. Tỉ lệ cán bộ dân tộc thiểu số chiếm 12,9 % tổng số cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh. Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND tỉnh và cơ quan chuyên môn, qúa trình tổ chức thi tuyển tỉnh Đắk Lắk gặp một số vướng mắc như: Việc thi tuyển chức danh người đứng đầu các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện theo Luật tổ chức chính quyền địa phương thì người đứng đầu các cơ quan chuyên môn thuôc UBND cấp tỉnh, cấp huyện đều phải là thành viên UBND và do HĐND cùng cấp bầu. Một số ngành có nhiều lĩnh vực công tác và được phân công cho từng cấp phó phụ trách các lĩnh vực công tác gắn với sở trường, trình độ chuyên môn và kinh nghiệm công tác, quản lý, điều hành trên từng lĩnh vực cụ thể. Ngoài ra các ứng cử viên cũng rất khó khăn trong việc lựa chọn nội dung đề án có tính chung, phù hợp với ngành và đảm bảo được tính công bằng cho mọi người tham gia thi tuyển với các chuyên môn và kinh nghiệm công tác khác nhau. Trong quá trình tổ chức thi tuyển chưa thu hút được nhiều ứng viên ở ngoài cơ quan, đơn vị; những chuyên gia, nhà quản lý giỏi tham gia đăng ký dự tuyển, chủ yếu là công chức, viên chức nằm trong quy hoạch chức danh. Nguyên nhân là do tâm lý, nhiều công chức e ngại dự thi, không muốn khẳng định mình. Ngoài ra cơ chế về lương, chế độ đãi ngộ đối với người trúng tuyển không có nên đã ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả công tác thi tuyển.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy trao Quyết định Bí thư Huyện ủy Lắk
Để hoàn thiện cơ chế thi tuyển lựa chọn cán bộ thực tài trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk kiến nghị Trung ương nghiên cứu có chính sách đặc thù cho các ứng cử viên trúng tuyển vào các chức danh, đặc biệt là chính sách tiền lương nhằm thu hút những người giỏi, xuất sắc tham gia thi tuyển và tạo động lực, giúp cho công chức, viên chức yên tâm làm việc ở vị trí công tác mới. Mỗi Bộ, ngành Trung ương, địa phương thống nhất về tiêu chuẩn cán bộ của từng ngành trong quản lý, tạo sự đa dạng nguồn cán bộ đăng ký tham gia dự tuyển.
Đề nghị Bộ Nội vụ cần sửa đổi, bổ sung Công văn số 2424/BNV-CCVC theo hướng bỏ phần thi viết trong quy trình thi tuyển; chỉ tập trung thực hiện việc bảo vệ đề án hoặc chương trình hành động của từng ứng cử viên. Đồng thời nhân rộng công tác thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan, đơn vị, địa phương. Đối với chức danh thuộc diện ban thường vụ cấp ủy cho chủ trương bổ nhiệm, chỉ cần đảm bảo 50% thành viên trở lên cấp có thẩm quyền bổ nhiệm tham gia Hội đồng thi tuyển, nhằm có cơ hội đưa thêm nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực nhằm hỗ trợ Hội đồng thi tuyển.
Tại Hội nghị sơ kết 03 năm thực hiện Đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng, lãnh đạo Bộ Nội vụ cũng nhấn mạnh, việc tổ chức thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý là một nội dung mới trong công tác cán bộ, hướng đến xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới; tạo điều kiện thu hút nhân lực có chất lượng cao từ nhiều nguồn khác nhau nhằm không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, quản lý. Do đó, Bộ Nội vụ yêu cầu các địa phương vẫn tiếp tục thực hiện thí điểm thi tuyển chức danh cần mạnh dạn xây dựng cơ chế thu hút nhân tài trên cơ sở vận dụng sáng tạo quy định của Trung ương, sau thi tuyển cần phát huy và nhân rộng, trở thành một việc làm thường xuyên của các cấp ủy Đảng và các cơ quan, đơn vị, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
Kim Bảo
Các tin khác
- Tập huấn công tác Hội Chữ thập đỏ năm 2022
- Đắk Lắk được nhận hỗ trợ 900 triệu đồng cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp mặt đại biểu dự Đại hội XI Hội Chữ thập đỏ Việt Nam nhiệm kỳ 2022-2027
- Chủ động phòng ngừa trước cao điểm dịch sốt xuất huyết
- Lễ dâng hương, viếng Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh nhân Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ
- Đại hội đại biểu Hội Chữ Thập đỏ tỉnh Đắk Lắk lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2022-2027
- Phát động Tháng Nhân đạo năm 2022
- Đắk Lắk nhiều hoạt động hưởng ứng Tháng Nhân đạo năm 2022