Tọa đàm kết nối sản phẩm, dịch vụ du lịch tỉnh
Cập nhật lúc: 09:56 25/11/2019
Chiều 24/11, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh tổ chức Tọa đàm kết nối sản phẩm, dịch vụ du lịch tỉnh Đắk Lắk.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh H'Yim Kđoh phát biểu tại buổi Tọa đàm
Tham dự buổi Tọa đàm có bà H'Yim Kđoh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk; đại diện lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh; các doanh nghiệp lữ hành đến từ các tỉnh: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Nghệ An và tỉnh Jeollabuk – Hàn Quốc.
Phát biểu tại buổi Tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh H'Yim Kđoh hoan nghênh ngành du lịch các tỉnh đã tổ chức các chương trình tham quan, khảo sát, tọa đàm kết nối, phát triển du lịch với nhau. Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Đắk Lắk nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, có vị trí chiến lược trong không gian phát triển kinh tế xã hội của khu vực. Tỉnh có 33 di tích được xếp hạng, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 17 di tích quốc gia và 14 di tích cấp tỉnh.
Đại diện doanh nghiệp lữ hành đến từ Thừa Thiên Huế cho rằng tỉnh Đắk Lắk cần đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng, góp phần phát triển ngành du lịch của tỉnh
Đắk Lắk có nhiều lợi thế để phát triển du lịch, nơi đây hội tụ đầy đủ các yếu tố tự nhiên của rừng núi, sông hồ, thác ghềnh, cùng bản sắc văn hóa đa dạng của 47 dân tộc anh em đang sinh sống trên địa bàn, với những giá trị độc đáo về kiến trúc, mỹ thuật, âm nhạc, văn hóa, lễ hội. Sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh như cưỡi voi thưởng ngoạn phong cảnh, cà phê và không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.
Ngoài ra, Đắk Lắk có khả năng kết nối thuận lợi với các tỉnh, thành phố trong cả nước thông qua hệ thống giao thông đường bộ như Quốc lộ 14, 14C, 26, 27, 29 và có sân bay Buôn Mê Thuột kết nối với các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Vinh, Hải Phòng từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch...
Đại diện đến từ tỉnh Jeollabuk - Hàn Quốc chia sẻ kinh nghiệm để phát triển du lịch
Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về thực trạng phát triển du lịch Đắk Lắk hiện nay, các ý tưởng và giải pháp phát triển du lịch Đắk Lắk trong thời gian tới. Đa số các đại biểu đều đánh giá cao về loại hình, sản phẩm du lịch của tỉnh với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, đời sống văn hóa đầy sắc màu. Tuy nhiên sức cạnh tranh du lịch chưa cao bởi phát triển còn tự phát, chưa tập trung xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng. Các đại biểu cho rằng Đắk Lắk cần tăng cường công tác thông tin, quảng bá du lịch của tỉnh; phải bổ sung thêm các dịch vụ vui chơi giải trí tại các khu du lịch; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng hoàn thiện hơn nhất là hệ thống khách sạn, đường vào các khu du lịch; nâng cao chất lượng của đội ngũ phục vụ du lịch đặc biệt là đội ngũ hướng dẫn viên...
Quang cảnh buổi Tọa đàm
Dịp này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Hiệp hội du lịch các tỉnh, thành phố đã ký kết biên bản hợp tác, quảng bá du lịch giữa các tỉnh, thành phố nhằm tạo sự liên kết phát triển du lịch mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Bá Lục
Các tin khác
- Đắk Lắk được nhận hỗ trợ 900 triệu đồng cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp mặt đại biểu dự Đại hội XI Hội Chữ thập đỏ Việt Nam nhiệm kỳ 2022-2027
- Chủ động phòng ngừa trước cao điểm dịch sốt xuất huyết
- Lễ dâng hương, viếng Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh nhân Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ
- Đại hội đại biểu Hội Chữ Thập đỏ tỉnh Đắk Lắk lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2022-2027
- Phát động Tháng Nhân đạo năm 2022
- Đắk Lắk nhiều hoạt động hưởng ứng Tháng Nhân đạo năm 2022
- Hội Chữ thập đỏ tỉnh: Phát động Tháng Nhân đạo năm 2022