Đã trở thành nề nếp, hoạt động Chữ thập đỏ trong trường học gắn với thanh thiếu niên Chữ thập đỏ Việt Nam. Những kỹ năng sơ cấp cứu cộng đồng, phong trào “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ”, nhận giúp đỡ bạn học nghèo khó, khuyết tật đến trường đều từ thế hệ thầy cô phát động và truyền đạt đến học sinh. Hoạt động xây dựng Hội Chữ thập đỏ trường học theo hướng dựa vào cộng đồng, gắn bó với người dân đã trở thành truyền thống tại các trường phổ thông, ngày càng được bồi đắp kinh nghiệm, góp phần đào tạo thiếu niên Chữ thập đỏ trở thành những công dân có ích cho xã hội tương lai.
Trường Tiểu học Thành Công (quận Ba Đình, Hà Nội) “nuôi lợn nhựa” ủng hộ hoạt động Chữ thập đỏ
Hoạt động Chữ thập đỏ trong trường học là cần thiết, hữu ích
Đã trở thành nề nếp, những giờ sinh hoạt tập thể tại Trường Tiểu học Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội) giới thiệu về mục đích, ý nghĩa của các chương trình, hoạt động thanh, thiếu niên Chữ thập đỏ để học sinh biết và tham gia. Bảng tin Nhà trường dành thời lượng không nhỏ giới thiệu về những chương trình nhân đạo, từ thiện. Với những hoạt động bổ ích, thiết thực, gắn với tình nhân ái, hoạt động Chữ thập đỏ trong trường học hướng thiếu niên tham gia hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ những gia đình chính sách, bạn học có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, học sinh khuyết tật cùng đến trường. Học sinh Trường Tiểu học Nghĩa Tân hào hứng tham gia, phụ huynh nhiệt tình ủng hộ thúc đẩy phong trào Chữ thập đỏ trường học ngày càng hiệu quả. Đây cũng là hoạt động gắn với rèn luyện kỹ năng sống, đạo đức học sinh ngoài trau dồi văn hóa của nhà trường. Tổng kinh phí Trường Tiểu học Nghĩa Tân chuyển đến những địa chỉ nhân đạo khoảng hơn 100 triệu đồng/năm. Nhà trường còn ủng hộ nhiều quần áo, chăn ấm và những đồ dùng học tập thiết yếu cho học sinh nghèo các tỉnh miền núi phía Bắc; Tặng 10 xe đạp cho học sinh nghèo huyện Ứng Hòa, Hà Nội... năm học 2019 – 2020.
Hà Nội có rất nhiều các trường tiểu học THCS tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”... Việc gây quỹ được các trường học triển khai bằng nhiều hình thức như đặt hòm nhân đạo dưới cờ, phát động phong trào “Nuôi lợn nhựa”, “Áo ấm mùa đông”, “Quỹ Mùa xuân”, “Vé số học tập”… Đến nay, hoạt động Chữ thập đỏ được nhân rộng tới 2.012 trường học trên địa bàn Thành phố Hà Nội với mạng lưới hội viên, tình nguyện viên lên tới gần 627.000 người.
Năm học 2017-2018, Hội và Chi hội Chữ thập đỏ các trường học Hà Nội tổ chức giúp đỡ gần 47.000 lượt giáo viên, nhân viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn; Cứu trợ ngoài trường học tới hơn 50.000 lượt người. Tổng trị giá hoạt động cứu trợ nhân đạo đạt hơn 82 tỷ đồng, tăng gần 10 tỷ đồng so với năm học trước. Ngoài ra, Hội, Chi hội Chữ thập đỏ trường học tuyên truyền, hướng dẫn học sinh chủ động vệ sinh cá nhân, vệ sinh trường lớp, vệ sinh phòng, chống dịch bệnh theo mùa. Đội viên, thanh, thiếu niên Chữ thập đỏ được trang bị kiến thức, kỹ năng sơ cứu, cấp cứu ban đầu để có thể ứng phó kịp thời khi có tai nạn xảy ra… Năm học 2019 – 2020, trở lại sau những ngày nghỉ học cách ly phòng, chống COVID -19, tất cả các trường học ở Hà Nội thực hiện nghiêm hướng dẫn của ngành Y tế: Rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn, đo thân nhiệt trước khi vào lớp học.
Hoạt động Chữ thập đỏ gắn với giáo dục nhân cách học sinh
Trong các hoạt động vì con người tại cộng đồng, việc làm nhân đạo - từ thiện ngày càng được trân trọng, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Phú Thọ gắn hoạt động Chữ thập đỏ trường học với giáo dục nhân cách thế hệ trẻ.
Sở Giáo dục - Đào tạo thực hiện các hoạt động nhân đạo, từ thiện tại trường học; Phát triển mô hình, tổ chức, hội viên, đội viên, nâng chất lượng hoạt động và quản lý chặt chẽ thanh, thiếu niên Chữ thập đỏ. Với phương châm: Công tác nhân đạo, từ thiện khởi nguồn từ “tâm” và sự tự nguyện, mỗi hoạt động Chữ thập đỏ gắn với giáo dục đạo đức, lòng nhân ái, bao dung, tinh thần vì cộng đồng, lá lành đùm lá rách... Giáo viên tự nguyện tham gia: Hiến máu nhân đạo, ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, quyên góp “Tết vì người nghèo”; Thiếu niên Chữ thập đỏ mua tăm ủng hộ Hội Người mù, thắp nến tri ân anh hùng liệt sĩ nhân Ngày Thương binh liệt sĩ (27/7)... Thiếu niên Chữ thập đỏ tỉnh Phú Thọ tiên phong “Vòng tay bè bạn”, “Vì đàn em thân yêu”, “Tương thân tương ái”... Chỉ tính riêng 3 năm (2017-2019) phong trào Chữ thập đỏ Trường học tỉnh Phú Thọ đã ủng hộ 15.600 quyển sách, 29.945 cuốn vở viết, 9.600 đồ dùng học tập, 8.625 bộ quần áo, 3.830 đồ dùng sinh hoạt, 421 chiếc xe đạp cho học sinh các trường vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn. Các trường học của tỉnh tổ chức hàng trăm cuộc giao lưu với các cơ sở trẻ em mồ côi, khuyết tật, tổ chức các hoạt động trải nghiệm ủng hộ các nhóm trẻ lang thang, cơ nhỡ… Hoạt động nhân đạo được duy trì thường xuyên, liên tục trong các nhà trường, góp phần vào giáo dục đạo đức, lý tưởng sống và kỹ năng sống cho học sinh. Qua đó giúp học sinh nâng cao được ý thức, trách nhiệm và tiếp tục phát huy những giá trị nhân văn của con người với con người và truyền thống tương thân tương ái người Việt Nam.
Nâng cao chất lượng hoạt động
Hướng dẫn sơ cấp cứu tới học sinh Trường THCS huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ
Hiệu quả của công tác Chữ thập đỏ trong trường học ở TP.Hà Nội, tỉnh Phú Thọ ngày càng được khẳng định về chất lượng. Thành phố Hà Nội hiện có 122 trường học bậc trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học công lập quan tâm hoạt động Chữ thập đỏ trong nhà trường; Các trường khối dân lập tham gia hoạt động Chữ thập đỏ còn rất hạn chế. Hội Chữ thập đỏ TP.Hà Nội đề nghị các cơ quan, đơn vị chức năng quan tâm, hướng dẫn, chỉ đạo những trường chưa có Chi hội Chữ thập đỏ tập trung xây dựng, củng cố tổ chức Hội; Tích cực tham gia hoạt động nhân đạo, từ thiện. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam mở các lớp tập huấn cho thanh, thiếu niên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ; Cung cấp tài liệu tuyên truyền về hoạt động Chữ thập đỏ trong trường học…
Nâng cao chất lượng hoạt động Chữ thập đỏ tại các trường phổ thông và chuyên nghiệp ở Việt Nam cần chia sẻ kinh nghiệm từ những mô hình điểm. Khi triển khai các chương trình, hoạt động Chữ thập đỏ, nhà trường nên vận động học sinh và phụ huynh tham gia. Phụ huynh hiểu rõ việc làm của con em mình, chính họ kết hợp nhà trường định hướng cho trẻ em trở thành những thanh, thiếu niên Chữ thập đỏ nhiệt huyết. Nguồn quỹ ủng hộ các hoạt động Chữ thập đỏ phải được sử dụng công khai, minh bạch, hỗ trợ đúng đối tượng.
Hoạt động Chữ thập đỏ trong trường học không chỉ là cầu nối những tấm lòng thiện nguyện với hoàn cảnh khó khăn, mà còn là giải pháp góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; Xây dựng nếp sống đẹp, lối ứng xử văn minh cho học sinh. Giáo dục thế hệ trẻ bằng chính những hoạt động nhân đạo từ thiện là cách làm tốt cần được phát huy và lan tỏa yêu thương tới cộng đồng.
Phổ Thế